UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra thăm đồng để xác định chính xác thời gian lúa trổ từng trà, từng giống, từng ruộng nhằm phun phòng bệnh đúng thời điểm
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo sản xuất huyện, hiện nay trà lúa sớm (Lâm Trung Thủy) đang trỗ; trà lúa gieo cấy trong tết Nguyên đán (từ 5-15/1/2023) giai đoạn đòng bước 6 - bước 8, dự kiến trỗ từ 12-17/4/2023; trà lúa gieo giáp tết và sau Tết giai đoạn làm đòng bước 3- bước 6, dự kiến trỗ từ 20-25/4/2023.Trà lúa gieo cấy từ 5-10/2/2023 giai đoạn làm đòng bước 1, bước 2, dự kiến trỗ sau 25/4/2023 (chủ yếu tập trung ở Thị Trấn, Tùng Ảnh, và một số diện tích ở xã An Dũng, Thanh Bình Thịnh, Đức Đồng, Tùng Châu...).
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia từ nay đến cuối tháng 4 sẽ có khoảng 3 đợt không khí lạnh (đợt 1 từ 7-9/4 đợt 2 từ 17-22/4 và đợt 3 từ 23-25/4) gây mưa rải rác, ẩm độ không khí cao, nền nhiệt độ 20-230C, xen kẻ là các đợt nắng nóng, chệnh lệnh nhiệt độ ngày và đêm lớn, kết hợp nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng là yếu tố thuận lợi để bệnh đạo ôn cổ bông phát triển gây thiệt hại đối với sản xuất.
Để hạn chế thiệt hại trên đồng ruộng, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn cần làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo; tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chủ động trong công tác phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.
Kịp thời kiểm tra tình hình sinh trưởng, xác định thời gian trổ của từng trà lúa, từng cánh đồng, vùng sinh thái, loại giống để chỉ đạo, hướng dẫn phun phòng bệnh; tập trung điều tiết đủ nước cho các trà lúa để lúa trổ bông thuận lợi nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh đặc biệt là các vùng, các giống có nguy cơ nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông cao như: Thái xuyên 111, VRN 20, ADI168, Thiên Ưu 8, P6...
Ngoài ra, cần theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại của các đối tượng dịch hại khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, khô vằn, bạc lá, bệnh lem lép hạt…