Thứ 6 Ngày 24/1/2025, 8:51:40 AM
Nhiệt liệt chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025)!

Di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 1811/1998/QĐ-BVHTT ngày 31/8/1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Còn có tên đền Công thần, tên chữ là Chiêu Phúc Điện, trước thuộc xóm Soi, thôn Thượng, xã Thịnh Quả, phủ Đức Thọ, nay là làng Diên Phúc, xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Trần Duy (thế kỉ XIV): Danh thần đời Lê Sơ, quê gốc từ làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định, thuộc hệ của Hưng Võ vương Trần Quốc Hiến nhà Trần. Khi Hồ Quý Li cướp ngôi nhà Trần, Trần Duy cùng anh Trần Đạt và mẹ con em gái là Trần Thị Ngọc Tranh, Trần Thị Ngọc Dung trốn khỏi quê hương chạy vào miền Trung lánh nạn, khai phá đất đai, làm ăn sinh sống tại tổng Thịnh Quả, huyện La Giang, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Khi Lê Lợi đưa quân vào Đỗ Gia (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay) xây dựng căn cứ kháng chiến, đóng thành Lục Niên trên dãy Thiên Nhẫn, anh em Trần Đạt, Trần Duy đến bái yết, nhận giúp nghĩa quân lo việc binh lương. Với sự giúp đỡ của mẹ con Trần Thị Ngọc Tranh - Trần Thị Ngọc Dung, họ đã hoàn thành việc cung cấp lương thực, thực phẩm trong ba năm liền, góp sức vào chiến thắng của quân binh Lê Lợi. Trần Duy còn là một tướng giỏi cả bộ binh và thủy binh, từng tham gia chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Coi trọng công lao của cụ Trần Duy trong cuộc kháng chiến, Lê Lợi đã phong cho Cụ giữ các chức: “Tri Nghệ An đạo quân dân bạ tịch”, rồi thăng chức “Đại Đô đốc Đồng tri”, rồi đến “Sùng tiến Trấn Quốc Thượng tướng quân”, sau đó được thăng chức “Thái phó”. Năm 1428, vua Lê Lợi (Lê Thái Tổ) ban quốc tính Lê Duy (Lê Trần Tướng công”. Đầu năm 1429 vua Lê Thái Tổ lại phong cho Cụ là “Bình Ngô Khai quốc Công thần”. Đến cuối đời Cụ được phong “Thạch Quốc công”

 Sau khi qua đời vào ngày 5.1 Âm lịch (không thấy ghi năm mất và tuổi thọ), Trần Duy được nhà Lê cho lập đền thờ riêng gọi là đền thờ Khai quốc Công thần ở làng Tùng Châu, nay là xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ.  Qua các tài liệu lịch sử, vùng đất này trước đây có 2 đền lớn là Chiêu phúc điện (thờ Khai quốc Công thần Trần Duy) và đền Ngũ Long (thờ 4 bà Vương phi nhà Trần). Về sau do biến thiên của xã hội và sự xâm thực của khí hậu thủy văn nên đền Ngũ Long bị mất. Nhân dân và con cháu họ Trần đã hợp tự cả bát hương bàn thờ 4 bà vương phi (Tứ phi) thờ vào đền thờ Trần Duy.

Đền thờ kết cấu theo kiểu chữ Nhị (二) gồm hai tòa hạ điện và thượng điện. Phía trước đền có hồ bán nguyệt, trước đây đã bị bồi lấp nhưng nay đã được cải tạo lại,  Hệ thống tường bao, tắc môn bị xuống cấp, nhưng hai cột nanh cao to còn nguyên vẹn, mặt trước có câu đối chữ Hán:

Thuận Thi thừa thiên úy phạm quang chiêu thần

Ngự tai hạn hoạn âm công trường bá nhất phương dân.

Hạ điện bị xuống cấp đã được trùng tu tôn tạo lại, kết cấu đơn giản gồm ba gian nhà gỗ lim, hai đầu hồi xây tường bịt đốc, mặt trước và sau để trống. Đây là nơi chuẩn bị để hành lễ khi cúng tế. Ở sân nhà thờ là tắc môn và lư hương bằng đá, phía hai bên cánh tả và cánh hữu được xây dựng 2 nhà bia. Bên tả là nhà bia ghi danh  “Tứ phi Hoàng hậu”, bên hữu là nhà bia ghi hành trạng của Bình ngô Khai quốc Công thần Trần Duy.

Thượng điện cũng đã qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây vào năm 1854, trên ván mê có khắc rõ hàng chữ Hán “Tự Đức thất niên xuân tạo tác, Giáp Dần lục ngoạt hạ hoàn thành”. Đây là ngôi nhà ba gian bốn vì kèo bằng gỗ lim, xây đốc hai đầu hồi, tường bao trước sau, hai gian tả hữu mở cửa sổ lắp song, cửa chính gian giữa mở hai cánh. Trước hai cột quyết, mặt trước khắc hai cặp câu đối chữ Hán. Trước cửa ra vào treo bức đại tự bằng gỗ khắc bốn chữ Hán “Chiêu tư lai hứa” (Hứa hẹn cho ngày mai). Nội thất gian chính điện có long ngai bài vị của Trần Duy, bên cạnh có hòm sắc phong, phía trước là hương án lư hương, bình hoa, cọc nến và bức đại tự chạm gỗ đề ba chữ Hán “Hoàng Diễn phái”. Gian bên phải bài trí bát hương, mâm bồng, chiêng đồng và biển gỗ khắc chữ Hán “Chiêu Phúc điện”. Gian bên trái đặt long ngai bài vị thờ Tứ Phi (Bốn bà vương phi họ Trần). Phía đầu hồi gian trái đặt hương án, treo bức đại tự chữ Hán: Hoa Ngạc Liên Huy và đôi câu đối chữ Hán; phía đầu hồi gian phải đặt hương án, treo bức đại tự “Huân Trì Giao Ứng” và cũng một đôi câu đối chữ Hán.

Di tích đền thờ Trần Duy có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc thời đại cuối Trần, đầu Lê và cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nhân dân ta. Di tích có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, từ đó làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc, khích lệ lòng yêu nước và động viên các thế hệ đem sức mình cống hiên cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: 0, trung bình: 0.00



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    VỀ ĐỨC THỌ QUÊ MÌNH - THÙY DUNG
      00:00           
    00:00
     
    00:00
             
     
     
    • VỀ ĐỨC THỌ QUÊ MÌNH - THÙY DUNGVỀ ĐỨC THỌ QUÊ MÌNH - THÙY DUNG
    • 10 Dấu ấn nổi bật năm 2019 do TTVH - TT huyện lựa chọn.10 Dấu ấn nổi bật năm 2019 do TTVH - TT huyện lựa chọn.
    • Thu nhập cao từ vườn mẫuThu nhập cao từ vườn mẫu
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.505.435
    Trong năm: 1.287.348
    Trong tháng: 110.398
    Trong tuần: 24.306
    Trong ngày: 1.930
    Online: 31