Di tích Khu mộ Phan Đình Phùng là Di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 3777/QĐ-BVHTT ngày 23/12/1995; Nhà thờ Phan Đình Phùng là Di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 59/2006/QĐ-BVHTT ngày 29/5/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đây là một địa chỉ đỏ ghi nhớ công lao của vị lãnh tụ kiệt xuất trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỉ XIX, biểu tượng cho tinh thần bất khuất của nhân dân ta trước mọi họa ngoại xâm.
* Phan Đình Phùng, hiệu là Châu Phong, sinh ngày 4 tháng 4 năm Đinh Mùi, tức ngày 6 tháng 6 năm 1847 tại làng Đông Thái, huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học lâu đời, nhiều đời kế tiếp nhau thi đỗ và làm quan. Ông là con Phó bảng Phan Đình Tuyển, em ruột Tú tài Phan Đình Thông và Cử nhân Phan Đình Thuật, anh ruột Phó bảng Phan Đình Vận. Ngay từ hồi nhỏ, Phan Đình Phùng đã nổi tiếng chăm học và có chí khí . Năm 1876, tham dự kì thi Hương khoa Bính Tí, ông đỗ Cử nhân; năm sau thi Hội khoa Đinh Sửu (1877) ông đỗ Đình nguyên Tiến sĩ (nên nhân dân địa phương xưa nay vẫn gọi ông một cách tôn kính và thân mật là Quan Đình). Phan Đình Phùng được bổ làm Tri huyện Yên Khánh (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), và sớm tỏ rõ là một vị quan chính trực, hết lòng chăm lo cho dân, thẳng tay với bọn quan tham lại nhũng. Có lần, ông đã cho lính đánh đòn giữa công đường cố đạo Trần Lục (tục gọi cụ Sáu), vì tên tu sĩ này hay ỷ vào thế lực của Pháp để bức hiếp dân lành. Vì chuyện đó, triều đình đã triệu hồi ông về kinh đô Huế, cho sung chức Ngự sử Đô sát viện (một mặt để qua mắt người Pháp, mặt khác để sử dụng tài và tâm của ông đúng chỗ). Tại triều đình, với đức tính thẳng thắn hiếm có, ông luôn làm hết chức trách của một quan Ngự sử ở viện Đô sát, giữ nghiêm phép nước. Hồi đó, nhà vua chỉ dụ các quan phải đi tập bắn ở trường bắn Thuận An, nhưng một số đại thần, vì lười biếng và không quen súng đạn, nên kết quả rất kém. Thế nhưng các quan Ngự sử trước đó vị nể bao che nên không tâu báo sự thật với vua. Phan Đình Phùng về nhậm chức đã làm sớ tâu lên để vua thân ra thị sát. Sau nhiều vụ tố cáo những chuyện khuất tất, ông được Tự Đức khen: “Thử sự cửu bất phát, phùng Phùng nải phát” (Việc này đã lâu không ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát hiện được). Khi làm Khâm mạng thanh tra tình hình quan lại Bắc Kì, ông dâng sớ đàn hặc Thiếu bảo Nguyễn Chánh về việc không quan tâm tới chính sự và “Ứng binh bất viện” (Cầm quân mà không đi tiếp viện) khi quân Pháp tấn công thành Nam Định, dẫn đến việc triều đình phế bỏ chức Khâm sai của viên quan này. Nhưng “động trời” hơn cả là việc Phan Đình Phùng năm 1883 dám mắng Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết trước mặt văn võ bá quan vì ông này tự ý phế bỏ Dục Đức lập Hiệp Hòa làm vua trái với di chiếu của Tự Đức. Nếu là người khác thì chắc đã mất đầu, nhưng vì được Tôn Thất Thuyết nể trọng bởi một tinh thần cương trực hiếm có nên ông chỉ bị cách hết chức tước và đuổi về quê.
Năm 1885, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết mưu việc kháng Pháp không thành đã bỏ kinh đô ra Tân Sở (Quảng Trị) xuống chiếu Cần Vương. Phan Đình Phùng đã bỏ qua hiềm khích riêng, cùng với Tôn Thất Thuyết đứng ra chiêu tập lực lượng chống Pháp. Rất đông các anh hùng, hào kiệt bốn tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình đã tụ về dưới cờ của ông như Phan Trọng Mưu, Phan Quảng Cư, Cao Thắng, Cao Nữu, Lê Ninh, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Phong, Phan Đình Can... Ông được vua Hàm Nghi phong chức Tán lí Quân vụ, xây dựng căn cứ Vũ Quang tại hai huyện Hương Sơn và Hương Khê thuộc Hà Tĩnh nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Để liên kết và thống nhất sức mạnh của các lực lượng chống ngoại xâm các miền, năm 1887 Phan Đình Phùng giao cho Cao Thắng phụ trách việc tổ chức và xây dựng phong trào ở Nghệ Tĩnh, còn ông ra Bắc để gặp gỡ, vận động và trao đổi với các văn thân, thủ lĩnh kháng Pháp ở miền ngoài; đến năm sau, ông trở về căn cứ và trực tiếp lãnh đạo phong trào. Từ đó lực lượng của nghĩa quân ngày càng phát triển, thanh thế không ngừng lớn mạnh. Phan Đình Phùng cùng các tướng sĩ sử dụng chiến thuật dựa vào núi rừng hiểm yếu và công sự kiên cố để phòng thủ, phối hợp linh hoạt với lối đánh du kích chặn đường giao thông, phá đồn diệt viện, nhử địch ra ngoài để tiêu diệt, làm cho chúng nhiều phen khốn đốn. Tướng Cao Thắng còn nghiên cứu tự chế tạo thành công khoảng 500 khẩu súng trường kiểu 1874 của Pháp. Nghĩa quân được tổ chức thành 15 quân thứ với kỉ luật nghiêm minh đặt tại các căn cứ suốt bốn tỉnh, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ theo chỉ thị từ Đại bản doanh Vụ Quang.
Thấy không thể dẹp được bằng quân sự, người Pháp tìm cách dụ dỗ, mua chuộc ông bằng danh lợi, nhưng đều thất bại. Năm 1886, khi anh ruột của Phan Đình Phùng là Phan Đình Thông (1835 - 1887) bị quân Pháp bắt, Tiễu phủ sứ Lê Kinh Hạp, vốn là bạn trước kia của Phan Đình Phùng, viết thư khuyên ông về hàng để cứu anh, ông đáp:“Nay tôi chỉ có một ngôi mộ rất to nên giữ là nước Việt Nam; tôi chỉ có một ông anh rất to đang bị lâm nguy là mấy triệu đồng bào. Nếu về mà sửa sang lại phần mộ của tổ tiên riêng mình, thì ngôi mộ cả nước kia ai giữ? Về để cứu sống ông anh của riêng mình, thì còn bao nhiêu anh em trong nước ai cứu?” Kinh lược sứ Bắc Kì lúc đó là Hoàng Cao Khải, vốn người cùng làng và có quan hệ thông gia với Phan Đình Phùng, cũng gửi cho ông bức thư chiêu hàng bằng những lời lẽ mềm dẻo, thân mật. Ông trả lời kiên quyết: “Tôi đã quyết làm cái công việc của vua ủy thác, dân trông mong tới cùng, thì dầu cho sấm sét búa rìu, quyết cũng không lay chuyển và thay đổi chí hướng được”.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, tương quan lực lượng quá chênh lệch, cuộc kháng chiến của nghĩa quân Vũ Quang do Phan Đình Phùng lãnh đạo kéo dài được mười năm, thời gian lâu nhất trong toàn bộ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX. Năm 1893, quân Pháp và tay sai tập trung lực lượng bao vây và tiến công khu căn cứ Vụ Quang dữ dội, tướng Cao Thắng tử trận khiến nghĩa quân mất một thủ lĩnh trụ cột tài ba. Tuy nhiên, vào ngày 17 tháng 10 năm 1894, Phan Đình Phùng đã dùng kế “Sa nang úng thủy” của Hàn Tín ngày xưa đánh thắng một trận lớn: Ông cho chặt cây đóng kè chặn nguồn nước sông lại và chuẩn bị sẵn nhiều khúc gỗ lớn; khi quân Pháp theo dòng cạn đi lên đến đúng địa điểm mai phục thì quân ta phá kè xả nước và lao những khúc cây xuống. Quân giặc bị nước cuốn, cây đâm, nghĩa quân xông ra đánh khiến chúng tổn thất nặng nề: 100 lính và ba sĩ quan bị giết, bỏ lại 50 khẩu súng và rất nhiều quân trang, quân dụng. Năm 1895, Pháp điều tên tay sai khát máu Nguyễn Thân đến phối hợp với Công sứ Nghệ An Duvillier đem 3.000 quân tìm cách tiêu diệt bằng được Phan Đình Phùng. Nghĩa quân bị chặn hết mọi nẻo đường tiếp vận, thiếu vũ khí, lương thực, thuốc men. Trong một trận đánh, Phan Đình Phùng bị thương nặng; ông qua đời vào ngày 28 tháng 12 năm 1895, chôn ở chân núi Quạt. Mười hai ngày sau, Nguyễn Thân tới cho tìm quật mồ, mang xác ông về đốt, trộn tro vào thuốc súng bắn xuống sông LaHYPERLINK "http://vi.wikipedia.org/wiki/Phan_%C4%90%C3%ACnh_Ph%C3%B9ng". Cuộc khởi nghĩa Hương Khê và cả phong trào Cần Vương từ đó chấm dứt, kết thúc một thời kì đấu tranh vũ trang oanh liệt do các sĩ phu Văn thân lãnh đạo.
Tuy thất bại, nhưng đây là cuộc khởi nghĩa, cuộc kháng chiên quy mô và là đỉnh cao của phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX của nhân dân Hà Tĩnh và của nhân dân cả nước. Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, giữ gìn độc lập dân tộc. Đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn, tinh thần chiến đấu, hy sinh oanh liệt của các lãnh tụ, tướng lĩnh và nghĩa quân Phan Đình Phùng trong lịch sử sáng ngời của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ là võ tướng, Phan Đình Phùng còn được biết đến như một nhà thơ, nhà khảo cứu xuất sắc, tuy tác phẩm của ông để lại không nhiều lắm, đến nay chỉ mới sưu tầm được một số như sau: Câu đối (Điếu Lê Ninh, Khóc Cao Thắng), Thơ (Đáp hữu nhân kí thi, Thắng trận hậu cảm tác, Kiến nguy binh thi cảm tác, Phúc đáp Hoàng Cao Khải, Lâm chung thời tác...), Thư từ (Kính kí Hoàng Cao Khải thư), Sử (Việt sử địa dư).
Tôn vinh và ghi nhớ công ơn vị anh hùng chống giặc cứu nước, nhân dân và nhà nước ta đã lập nhà thờ và xây lăng mộ cụ ngay trên mảnh đất Đức Thọ quê hương ông (Di tích mộ nằm trên ngọn đồi Nê Sơn, cạnh đường quốc lộ 8A; nhà thờ ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh) và Vũ Quang - căn cứ kháng chiến do ông xây dựng và lãnh đạo (bia, đài tưởng niệm, khu di tích đồn Vũ Quang). Tên cụ Phan Đình Phùng được đặt cho nhiều trường học, đường phố tại nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước Việt Nam.
* Khu mộ trên đồi Nê Sơn, theo các giả thuyết, là ngôi mộ tượng trưng (vì xác Phan Đình Phùng đã bị Nguyễn Thân đốt lấy tro bắn xuống sông La), do nhân dân địa phương thương tiếc lập ra để tưởng niệm ông, đến năm 1965 đã được tôn tạo khang trang như hiện nay, năm 2004 - 2005 lại được chính quyền Hà Tĩnh đầu tư tu bổ. Khu này gồm hai phần chính là mộ và bia. Bia làm bằng đá Thanh rộng 0,95m cao 1,59m và dày 0,12m; trán bia có hình bán nguyệt, trước và sau chạm trổ mặt hổ phù, diềm bia trang trí hoa văn mây, hoa lá. Nội dung văn bia (khắc hai mặt bằng chữ quốc ngữ) do nhà sử học Trần Huy Liệu soạn. Mộ đặt ở gần đỉnh đồi, thoáng đãng và uy nghi, nằm theo hướng Đông - Tây, bao bọc bởi hai lớp tường xây cách nhau 2,5m, tường trong cao 0,3m và tường ngoài 0,8m. Đế mộ hình vuông ghép bằng đá Thanh mỗi cạnh dài 2,58m; mộ vuông vức cao chừng 1m, đỉnh mộ hình chóp nón, trên có hình bông sen; mặt trước thân mộ tạo lõm vào hình vòm cuốn và chạm biển đề: Phan Đình Phùng (1847 - 1895); phía trước đặt lư hương bằng đá.
Mộ cụ Phan Đình Phùng.
Bia được khắc hai mặt bằng chữ quốc ngữ nêu cuộc đời sự nghiệp và ca ngợi cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng lãnh đạo, đức hy sinh cao cả của ông; ca ngợi Nhân dân 4 tỉnh Thanh, Nghệ, Hà, Quảng đã tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa.
Cách về phía bên phải phần mộ cụ Phan còn có phần mộ của ông bà nội của cụ Phan Đình Phùng
* Nhà thờ nằm trong khu dân cư thuộc làng Đông Thái, do nhân dân địa phương lập sau khi ông mất để ghi nhớ công ơn của ông đối với đất nước quê hương, gồm có cổng, tắc môn và nhà thờ. Cổng vào gồm các cột nanh cao lớn, mặt trước đều khắc câu đối chữ Hán. Trên hai đầu cột nanh khắc hai chữ Hán “Châu Phong” - là tên hiệu và tên quê của Phan Đình Phùng. Tắc môn mặt trước đắp hình con Lân, mặt sau hình cuốn thư.
Cổng vào nhà thờ
Bước vào sau cổng chính là sân chầu, hai bên là tả vu và hữu vu. Nhà thờ làm bằng gỗ lim và mít, gồm hạ điện và thượng điện. Các đuôi xà ngang, kèo cột đều chạm nổi hoa văn hình đao bay, hoa lá tinh xảo. Mái lợp ngói; bờ nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt và hổ phù, các góc mái gắn đao, guột hình rồng. Hạ điện có 3 gian được bày trí 2 bàn thờ với đôi hạc đồng, lư hương, lọng, câu đối…. và còn lưu giữ một chiếc chuông bằng đồng với chiều cao khoảng 1m.
Nhà hạ điện - nơi thờ các quân và tướng lĩnh Phan Đình Phùng
Gian chính của nhà Hạ điện
Thượng điện là nơi thờ Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, gian giữa đặt bàn thờ có ngai thờ với bức tượng đồng chân dung cụ Phan Đình Phùng khuôn mặt thanh tao, trước đặt 2 con hạc, đỉnh đồng, lư hương, bình hoa sứ và ống hương gỗ, hai bên bàn thờ đặt bộ bát bửu sơn son thiếp vàng gồm: mâu, đao, thương, kích, chấp, chùy, trượng, mác.
Gian chính của Thượng điện nơi thờ tự Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng
Di tích Khu mộ và Nhà thờ Phan Đình Phùng do Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện trực tiếp quản lý và chăm sóc. Vào các dịp lễ, tết, ngày cuối tuần, Di tích là địa chỉ đón các đoàn khách tham quan và các em học sinh dã ngoại, học lịch sử địa phương.