Thực trạng bèo lục bình dày đặc, phủ kín kênh nhánh kênh nhà Lê đoạn qua huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã làm tắc nghẽn dòng chảy và phát sinh nhiều hệ lụy.
Bèo lục bình phủ kín đoạn qua thôn Trung Thành xã Lâm Trung Thủy
Nhánh kênh Nhà Lê đoạn qua huyện Đức Thọ bắt đầu từ thôn Gia Thịnh, xã Thanh Bình Thịnh, đến điểm cuối là thôn Tường Vân, xã Lâm Trung Thủy. Nhánh kênh có chiều dài hơn 25km chảy qua các thôn Gia Thịnh, Bình Định, Bình Hà và Quang Tiến ( xã Thanh Bình Thịnh), Trung Thành, Tường Vân, Vân Xá ( xã Lâm Trung Thủy).
Cứ đến mùa khô, bèo lục bình phát triển mạnh phủ kín cả tuyến kênh, làm ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường, gây khó khăn cho bà con lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hàng năm thôn Gia Thịnh phải tự bỏ kinh phí huy động nhân dân vớt bèo khơi thông dòng chảy.
Chị Trần Thị Hồng Nhi, Thôn trưởng thôn Gia Thịnh cho biết: Nhánh kênh nhà Lê chảy qua địa bàn thôn hiện đã bị bèo lục bình phủ dày đặc, gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số bộ phận người dân thiếu ý thức còn vứt rác thải, xác động vật chết xuống kênh… khiến tuyến kênh thường xuyên bốc mùi hôi thối.
Mùa mưa lũ, bèo lục bình cản trở dòng chảy nên nước dâng lên kéo theo rác thải tràn cả vào nhà các hộ dân sống dọc theo 2 bên tuyến kênh.
Cũng theo chị Trần Thị Hồng Nhi, để khắc phục tình trạng này, mỗi tháng thôn Gia Thịnh tổ chức vớt bèo và dọn dẹp vệ sinh trên kênh một lần nhưng cứ được một thời gian ngắn bèo lại sinh sôi và phủ kín tuyến kênh.
Thậm chí, thôn Gia Thịnh còn thống nhất mỗi hộ nộp 50.000 đồng/năm thuê 3 người giám sát, quản lý và vớt bèo thường xuyên nhưng vẫn không hiệu quả.
Bèo có mật độ dày cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Hệ thông kênh nhà Lê có vai trò hết sức quan trọng, ngoài việc lưu thông đường thủy nội địa còn cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các địa phương. Đơn vị quản lý về mặt điều tiết nước, còn việc nạo vét, khơi thông tuyến kênh thì đơn vị chưa được giao, nên không có nguồn ngân sách để chi trả cho công tác nạo vét, khơi thông tuyến kênh này.”
Thiết nghĩ đơn vị quản lý tuyến kênh là Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cần sớm khảo sát, đánh giá thực trạng của toàn tuyến kênh, đề xuất các ngành chức năng bố trí kinh phí xử lý bèo lục bình, khơi thông dòng chảy, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, sinh hoạt.