Sau 10 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và của cán bộ, Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn Đức Thọ được nâng lên rõ rệt, người dân đang từng bước ưu tiên sử dụng phương thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình, trong cộng đồng dân cư.
Sáng ngày 25/8, UBND huyện Đức Thọ tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật hòa giải cơ sở. Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Tĩnh cùng tham dự.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Hùng và Phó Trưởng phòng Tư pháp Thái Thị Thu Thủy chủ trì hội nghị.
Trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có 155 tổ hòa giải với 1.263 hòa giải viên, mỗi tổ hòa giải có 7-15 thành viên. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải, huyện Đức Thọ đã thường xuyên củng cố, kiện toàn và tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải. Tổ chức 56 cuộc hội nghị với sự tham gia của hàng ngàn lượt hòa giải viên, cấp phát hơn 1.000 cuốn sổ tay hòa giải, phát hành trên 5.000 tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu hướng dẫn. Duy trì đều đặn công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở với thời lượng từ 10-15 phút từ 1-2 lần/tuần. Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng hòa giải cơ sở và tư vấn pháp luật cho hơn 1.000 hòa giải viên và 450 cán bộ cốt cán ở cơ sở. Tổ chức và tham các hội thi hòa giải viên giỏi cấp tỉnh đạt nhiều giải cao.
Phó Trưởng phòng Tư pháp Thái Thị Thu Thủy báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật hòa giải ở cơ sở.
10 năm qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện Đức Thọ đã được tư vấn, trợ giúp pháp lý.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân: Chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác hòa giải cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Trong 10 năm qua, các tổ hòa giải đã hòa giải 514 vụ việc, hòa giải thành 485 vụ việc, tỷ lệ hòa giải hoàn thành đạt 94%, nội dung tập trung vào các lĩnh vực hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai và một số lĩnh vực khác. Thông qua công tác hòa giải nhiều mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, góp phần giữ gìn tình đoàn kết, củng cố, phát huy tình cảm, đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư.
Ông Phan Văn Tùng, Chủ tịch UBMTTQ Thị trấn Đức Thọ tham gia các ý kiến về vai trò của UBMTTQ trong công tác phối kết hợp trong thực hiện hòa giải cơ sở.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn huyện.
Ông Đinh Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh ghi nhận, biểu dương những đóng góp quan trọng của các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Đức Thọ trong việc xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.
Để phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Tĩnh đề nghị thời gian tới, Phòng Tư pháp huyện Đức Thọ chủ động tham mưu nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải. Trong đó cần bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao vai trò lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác hòa giải.
Phát huy vai trò của UBMTTQ các cấp trong giám sát thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho thành viên các tổ hòa giải. Các địa phương quan tâm bố trí kinh phí hợp lý, đầu tư cho công tác hòa giải; phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở.
6 tập thể và....
4 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện luật hòa giải cơ sở.