Thực hiện công tác giảm nghèo, những năm qua, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong hướng dẫn, tiếp cận các nguồn vốn, đưa lại hiệu quả tích cực.

Từ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Năm 2022, qua “kênh” của Hội LHPN huyện Đức Thọ, chị Vương Thị Mai ở thôn Vĩnh Phúc, xã Quang Vĩnh được vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Phát triển phụ nữ. Ngay sau khi tiếp cận nguồn vốn, chị Mai đã tu sửa chuồng trại, mua 2 con bò giống. Sau 1 năm, từ 2 con bò giống đã sinh sản lứa đầu với 2 chú bê con.

Từ nguồn vốn Quỹ tín dụng quay vòng phòng tránh thiên tai cho phụ nữ khó khăn, chị Vương Thị Mai đầu tư chăn nuôi bò.

“Thông qua hội phụ nữ xã, huyện, tôi được tiếp cận nguồn vốn vay không lãi suất để đầu tư phát triển chăn nuôi. Tôi dự tính đến tết này sẽ bán 2 con bê để trả 1 phần vốn vay và trang trải trong cuộc sống" - chị Mai chia sẻ.

Đầu năm 2023, chị Nguyễn Thị Xoan ở thôn Yên Thắng, xã Hòa Lạc được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình giảm nghèo để đầu tư chăn nuôi gà lấy trứng. Không chỉ được tiếp cận nguồn vốn, chị Xoan còn nhận được sự động viên, hỗ trợ rất lớn từ các cấp hội phụ nữ trong việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại. Đàn gà quy mô 300 con được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cho bình quân 250 quả trứng/ngày.

“Trừ chi phí giống, thức ăn, hằng ngày, tôi có thu nhập 250.000 - 300.000 đồng/ngày. Đây là nguồn thu nhập chính, ổn định để trang trải cuộc sống gia đình” - chị Xoan cho hay.

Không chỉ được tiếp cận nguồn vốn, chị Xoan (người bên trái) còn nhận được sự động viên, hỗ trợ rất lớn từ các cấp hội phụ nữ trong việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại.

Mô hình chăn nuôi của chị Mai, chị Xoan là 2 trong số hàng trăm mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế được các cấp hội phụ nữ huyện Đức Thọ triển khai trong những năm qua.

Bà Trần Thị Thùy Nhung - Chủ tịch Hội LHPN Đức Thọ cho biết, thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Giúp hộ nghèo có địa chỉ”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng được hàng chục mô hình kinh tế có mức thu nhập đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã triển khai có chiều sâu Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những hoạt động cụ thể như: hướng dẫn, lựa chọn các ý tưởng tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp; tập huấn cho các hội viên là chủ HTX, tổ hợp tác, mô hình kinh tế; duy trì CLB ”Nữ khởi nghiệp” cấp huyện với 25 thành viên.

Đến CLB Kinh tế thanh niên

Mô hình kinh tế của anh Nguyễn Văn Hiệu ở thôn Sơn Quang, xã Đức Lạng cho thu nhập 300 triệu đồng mỗi năm.

Phát triển kinh tế trên địa bàn Đức Thọ không chỉ là những mô hình xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà đã, đang tiến tới là những mô hình làm giàu, quy mô lớn, trong đó có những mô hình do thanh niên làm chủ.

Mô hình kinh tế của anh Nguyễn Văn Hiệu - Bí thư Chi đoàn thôn Sơn Quang, xã Đức Lạng là một trong những ví dụ. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền núi Đức Lạng, anh Hiệu đã sớm có ý chí làm giàu từ những thế mạnh của quê hương. Năm 2010, anh mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để thuê máy móc đào ao, xây dựng chuồng trại, đầu tư cây giống, vật nuôi với quyết tâm lập nghiệp. Đến nay, anh Hiệu đã có trong tay gần 200 gốc cam, 20 con lợn nái, 300 con gà và hơn 5.000 m2 ao nuôi cá các loại. Tổng thu nhập các loại từ trang trại hơn 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, anh là thành viên của CLB Kinh tế thanh niên của huyện.

BTV Huyện đoàn Đức Thọ ra mắt mô hình kinh tế thanh niên tại xã Đức Lạng.

Chị Lê Thị Huyền Trang - Bí thư Huyện đoàn Đức Thọ cho biết, xác định thanh niên hôm nay không chỉ gương mẫu, đi đầu trong học tập, xung kích, tình nguyện trong các hoạt động đoàn thể, xã hội mà phải có ý chí khởi nghiệp, khát vọng làm giàu. Đó cũng là lý do để CLB Kinh tế thanh niên của huyện Đức Thọ được thành lập. CLB sẽ hỗ trợ các ĐVTN trên địa bàn có nhu cầu khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế chính đáng, phù hợp với xu thế thị trường. Khi tham gia CLB, hội viên có cơ hội nắm bắt các chủ trương, chính sách và tiếp cận các nguồn vay vốn ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Mô hình trồng dưa lưới, dưa leo trong nhà màng của anh Nguyễn Trọng Tuệ ở thôn Tân Mỹ, xã Tân Dân.

“CLB cũng hỗ trợ các ĐVTN địa phương tìm việc làm, hạn chế tình trạng thanh niên rời quê làm ăn xa. Đồng thời, CLB là nơi để các ĐVTN sinh hoạt, giao lưu, phát triển hoạt động đoàn thể và an sinh xã hội” – chị Trang cho hay.

Cùng với hội phụ nữ, đoàn thanh niên, những năm qua, Hội Nông dân huyện Đức Thọ cũng tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên tiếp cận các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân hàng CSXH mà hội viên Hội Nông dân huyện được tiếp cận gần 280 tỷ đồng, bao gồm các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch - vệ sinh môi trường, học sinh - sinh viên...

Với những cách làm tích cực, cụ thể, hiệu quả, các cấp hội, đoàn thể huyện Đức Thọ đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bình quân mỗi năm 0,5 - 1% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.509.906
    Trong năm: 1.285.448
    Trong tháng: 109.144
    Trong tuần: 22.082
    Trong ngày: 1.223
    Online: 67