|
Gà được thả tự nhiên trên các vườn đồi |
Nhận thây những lợi thế cũng như những hạn chế mà người nuôi gà nơi đây đang gặp, chị Lê Thị Nguyệt , Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã đã kêu gọi người chăn nuôi gà trong xã thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà nhằm phát huy thế mạnh này của địa phương, nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2020, THT chăn nuôi gà Tân Hương được thành lập do chị Nguyệt làm Tổ trưởng với 20 thành viên. Đến nay THT đã có 25 thành viên tham gia, trong đó có 14 hộ gia đình vừa nuôi gà đẻ vừa nuôi gà thịt. Các hộ còn lại chủ yếu nuôi gà thịt. Từ khi thành lập được THT, số lượng đàn gà của Tân Hương không ngừng được tăng lên, kèm theo đó sản lượng trứng cũng tăng, mang lại niềm phấn khởi cho người dân.
|
Gà được nuôi và đẻ tự nhiên |
Được biết hầu hết gà của các hộ chăn nuôi ở đây đều là giống gà cỏ thuần túy đã được nuôi thủ công từ xa xưa. Hiện nay, chị Nguyệt và một số hộ có mang về thêm giống gà Minh Dư (Bình Định), là giống gà lai trọi, chất lượng thịt cũng rất ngon. Để có được chất lượng gà thịt hay trứng ngon và sạch gà được nuôi phải tuân thủ quy trình chặt chẽ. Theo đó, gà con có thể được ấp trực tiếp từ gà mẹ hoặc ấp điện. Gà con sau nở sẽ được úm điện và cho ăn cám chăn nuôi đến một tháng rưỡi và sau đó được thả ra ngoài. Gà con tiếp tục được cho ăn cám trộn với các thức ăn khác có trong tự nhiên và thực phẩm do bà con trồng được để tạo thói quen. Bắt đầu từ tháng thứ 3 gà sẽ được thả tự do hoàn toàn trong các vườn đồi, ăn hoàn toàn thức ăn từ tự nhiên và các loại nông sản từ địa phương như ngô, lúa.... Gà sẽ cho trứng từ sau 7 tháng nuôi. Đây cũng là thời điểm thu hoạch gà thịt.
|
Theo thống kê, hiện nay trong tổ hợp tác có 14 hộ nuôi gà lấy trứng với trung bình mỗi hộ 100 con, cho sản lượng trứng khoảng 50.000 quả mỗi năm. Dự kiến những năm tới sẽ tăng khi mô hình đang ngày một được mở rộng. Chị Lê Thị Nguyệt, Tổ trưởng THT cho biêt: “Mặc dù là gà cỏ thuần túy nhưng nhờ có sự chăm sóc đúng kỹ thuật nên trứng gà của các hộ dân ở đây vẫn khá to. Đặc biệt nhờ nuôi trong môi trường và thức ăn sạch nên chất lượng trứng rất ngon và giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên là gà cỏ và hoàn toàn không sử dụng thức ăn hay thuốc kích đẻ nên sản lượng trứng không cao, mỗi lứa chỉ cho từ 18- 20 quả. Gà mái cũng sẽ được thay thế dần sau 3- 4 lứa đẻ”.
|
Trứng gà sau khi tập kết vào kho sẽ được tuyển chọn kỹ càng |
Trong thời gian đầu việc tiêu thụ trứng gà của THT vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không cạnh tranh được về giá với các loại trứng nuôi theo các mô hình khác trên thị trường. Chị Nguyệt nghĩ ngay đến việc tạo thương hiệu cho trứng gà của tổ. Năm 2021 chị bắt đầu tham gia Ocop và sản phẩm trứng gà của THT đã được công nhận sản phẩm Ocop 3 sao của tỉnh Hà Tĩnh với thương hiệu “trứng gà đồi Trại Cốc” vào năm 2022. Nếu như trước đây trứng được bán chủ yếu ở các xã, các huyện trong tỉnh thì sau khi được công nhận Ocop, trứng gà đồi Trại Cốc đã được khách hàng nhiều tỉnh thành biết đến và tin dùng. Đặc biệt tại Hà Nội THT đã hợp đồng được với một cửa hàng bán lẻ tiêu thụ khoảng 4.000 quả trứng/tháng. Chị Tú, một người dân ở Hà Nội cho biêt, thời gian gần đây gia đình chị biết đến loại trứng gà đồi Trại Cốc này và thường xuyên mua về cho cả gia đình ăn. Chị nhận thấy trứng gà này rất thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Theo như chị Nguyệt cho biết, hiện nay trứng gà đồi Trại Cốc luôn trong tình trạng cháy hàng. Đây có thể nói là động lực để các hộ dân trong THT mở rộng mô hinh, đặc biệt các gia đình có điều kiện khó khăn hoàn toàn có thể tham gia THT và đầu tư chăn nuôi gà giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
|
Đóng gói an toàn |
Chị Trần Thị Bình, thành viên của THT cho biết: “Nhiều năm nay gia đình luôn duy trì đàn gà đẻ khoảng 100 con. Mỗi tuần trứng gà lại được tập kết về kho của THT để xử lý, chọn lựa và xuất bán. Từ khi được công nhận sản phẩm Ocop trứng gà của chúng tồi gần như không lo về thị trường tiêu thụ”. Nhằm nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, gia đình chị Bình đã đầu tư máy xay và ép cám viên cho gà. Theo đó các nông sản như ngô, khoai, săn, lúa… và các loại cỏ, thảo dược như lá mật gấu, sả, tỏi… sẽ được đưa vào xay và tạo thành viên cho gà ăn. Có máy này không chỉ gia đình chị Bình mà các hộ chăn nuôi khác trong THT cũng rất thuận lợi trong tạo thức ăn sạch hỗn hợp cho gà.
|
Chị Trần Thị Bình đầu tư máy nghiền cám từ nông sản |
Nói về định hướng sắp tới, chị Lê Thị Nguyệt cho biết: “Song song với phát triển sản phẩm trứng thì chúng tôi sẽ mở rộng thêm đàn gà thịt, nâng cao sản lượng. Muốn làm được điều này chúng tôi cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách liên hệ với nhiều cửa hàng thực phẩm sạch và đặc biệt là tạo thương hiệu cho sản phẩm gà sạch của tổ”. Được biết, năm 2023 này THT cũng đã phát triển thêm sản phẩm gà thịt và tiêu thụ khoảng 800 con gà sạch, tương đương với 2,5 tấn gà thịt. Cũng như gà lấy trứng, gà thịt cũng được nuôi theo quy trình tương tự nên cho thịt rất thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Gà sau 7 tháng nuôi sẽ bắt đầu được thu hoạch. Gà sau khi làm thịt sẽ xử lý sạch sẽ và cho vào túi hút chân không và đông lạnh xuất đi nhiều nơi. Được biết, vừa qua THT đã kết nối được với một công ty chuyên về giải pháp trong nông nghiêp (Greenconnex), công ty câm kết đồng hành với người dân. Công ty đã hộ trỡ THT 1.300 con giống gà Minh Dư.
Ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: “Cách làm của THT rõ ràng là hướng đi rất phù hợp với điều kiện của Tân Hương. Mong rằng sẽ ngày càng nhiều người dân nắm bắt được cơ hội này tham gia THT và đầu tư chăn nuôi gà sạch giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống. Xã sẽ hộ trợ và kêu gọi các cấp các ngành hỗ trợ tối đa cho những mô hình kinh tế như thế này”.