Từ trăn trở, mong muốn thay đổi, nâng cao cuộc sống cho người dân, các cấp ủy đảng ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn tìm tòi, đổi mới phương thức lãnh đạo, từ đó khơi dậy truyền thống văn hóa, cách mạng và khát vọng vươn lên của người dân để xây dựng, hình thành nên những miền quê đáng sống, trù phú và nghĩa tình.

Trên bước đường xây dựng nông thôn mới, những phẩm chất cao đẹp về văn hóa, con người ở quê hương Tổng Bí thư Trần Phú luôn là động lực thôi thúc các tầng lớp nhân dân giữ vững ý chí, cùng hướng về phía trước.

Lấy sức dân lo cho dân

Năm 2013, xã Tùng Ảnh là một trong bảy địa phương đầu tiên ở Hà Tĩnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không thỏa mãn với kết quả đạt được, cán bộ và nhân dân tiếp tục nâng cao các tiêu chí, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Năm 2020, địa phương này tiếp tục được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đến tháng 10/2023, Tùng Ảnh dồn sức xây dựng nông thôn mới thông minh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh cho rằng, ngoài bề dày truyền thống cách mạng, người dân xã Tùng Ảnh luôn có khát vọng vươn lên. Vì vậy, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền là định hướng cách thức, phương pháp phù hợp cho mỗi giai đoạn, mỗi cộng đồng dân cư thực hiện. Cùng với việc ban hành nghị quyết, xây dựng chiến lược, lộ trình tổng thể của giai đoạn, hằng năm, địa phương còn ban hành các chính sách, đề án cụ thể về xây dựng nông thôn mới.

Thí dụ, trong quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, cùng một mục tiêu, cách thức thực hiện chung nhưng đối với từng khu vực địa lý khác nhau, địa phương lựa chọn các nội dung trọng điểm khác nhau để thực hiện. Tại khu vực Đức Phong (bao gồm các thôn: Châu Nội, Yên Hội, Đông Thái, Châu Tùng, Châu Linh) nơi có mật độ dân số đông đúc, diện tích đất sản xuất của người dân ít.

Trong quá trình vận động người dân cải tạo, chỉnh trang vườn hộ, hiến đất, mở đường…, địa phương xây dựng đề án, khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, giữ gìn và tôn tạo những biểu tượng của làng quê như cây đa, giếng nước, hàng rào xanh, cổng xanh bằng cây giới hà chè mạn hảo hàng trăm năm tuổi. Đối với vùng Tùng Sơn (bao gồm các thôn: Vọng Sơn, Thông Tự, Sơn Lễ, Thạch Thành, Dương Tượng, Châu Lĩnh) cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ người dân tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đồng thời tích cực cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ.

Với cách làm đó, chỉ từ năm 2019 đến nay, hàng loạt công trình, biểu tượng văn hóa làng xã đã được người dân xây đắp và gìn giữ. Cùng với đó, Tùng Ảnh đã vận động người dân hiến hơn 12.300m2 đất, hơn 3.600m bờ rào và huy động 5.600 ngày công làm mới 6,7 km đường giao thông thảm nhựa, 16 km đường giao thông trục thôn, 8,2 km mương rãnh thoát nước, lắp đặt 831 hồ lắng lọc, thu gom nước thải sinh hoạt, thành lập 18 mô hình sản xuất, xây dựng bốn sản phẩm đạt OCOP 3 sao… góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân đạt 57 triệu đồng/người/năm.

Về thôn Đông Thái (xã Tùng Ảnh), làng khoa bảng nổi danh khắp cả nước, được tận mắt chứng kiến cuộc sống trù phú, yên bình nơi đây, chúng tôi hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức và dần trở thành thói quen của mỗi người dân. Đồng chí Phạm Hồng Chương, Bí thư Chi bộ thôn Đông Thái cho biết: Bám sát nghị quyết của Đảng ủy, chi ủy và ban công tác mặt trận thôn sẽ xây dựng đề án, kế hoạch cho từng phần việc, tiêu chí cụ thể của mỗi tháng, mỗi quý, từ đó phân công cán bộ, đảng viên phụ trách, tập trung lãnh đạo, thực hiện theo đường găng tiến độ đã đề ra.

Chẳng hạn như mở rộng tuyến đường liên gia dài 400m từ đê La Giang vào nhà bà Hiền (ngụ thôn Đông Thái) từ 3,5m lên 5m, chúng tôi tổ chức khảo sát hiện trạng tuyến đường, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Sau đó, Ban phát triển thôn tổ chức họp dân hai bên tuyến đường thông báo dự toán kinh phí, số hộ có đất, bờ rào bị ảnh hưởng cũng như cơ chế, phương pháp huy động nguồn lực để người dân biết và cùng bàn luận. Được cán bộ hưu trí, con em xa quê hiến kế, ủng hộ tinh thần lẫn vật chất cho nên người dân rất phấn khởi và đồng tình thực hiện phương án xây dựng mà Ban phát triển thôn đã đưa ra”.

Đem câu hỏi vì sao ở một địa phương đất chật, người đông, “tấc đất” được ví như “tấc vàng” mà người dân vẫn hy sinh quyền lợi cá nhân, hiến tặng hàng chục nghìn mét vuông đất ở cùng tài sản trên đất để xây dựng nông thôn mới, chúng tôi nhận được câu trả lời: Việc xây dựng nông thôn mới trước hết làm cho mình hưởng, cơ sở hạ tầng được đầu tư sẽ thuận lợi hơn trong sản xuất, lưu thông, phục vụ tốt cho đời sống, tinh thần. 

Và theo như cách nói của bà Nguyễn Thị Hợi, một trong những người dân vừa hiến 150m2 đất ở và điều chỉnh lại nhà cửa để mở thông tuyến đường nối đường liên thôn với trường mầm non xã, người dân không chỉ là chủ thể thực hiện mà người dân còn là đích đến, đối tượng thụ hưởng thành quả của nông thôn mới. “Bây giờ đường qua nhà đã được thảm nhựa sạch sẽ, thông thoáng, ô-tô vào tận ngõ, không chỉ đẹp xóm, đẹp làng mà nhà tôi còn đẹp hơn trước nữa đấy chứ”, bà Hợi vui vẻ nói.

Biết về Tùng Ảnh, về mảnh đất khoa bảng, quê hương của đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, hôm nay lại được chứng kiến diện mạo nông thôn mới ở mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, được nghe người dân sẻ chia về câu chuyện làm nông thôn mới rất đời thường, chúng tôi hiểu rằng truyền thống văn hoá đã tạo nên nguồn lực nội sinh và đang hiện diện hằng ngày trong mỗi ngôi nhà, ngõ xóm nơi đây.

Tiếp nối mạch nguồn văn hóa

Chúng tôi có mặt tại xã Lâm Trung Thủy, địa phương vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, lĩnh vực nổi trội về văn hóa. Đồng chí Đinh Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, khi nhắc đến Lâm Trung Thủy thì ai cũng nghĩ ngay đến vùng đất học với 126 giáo sư, tiến sĩ; trên địa bàn có đến 12 di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh…

Tuy nhiên, cũng như bao địa phương thuần nông khác ở huyện Đức Thọ, chặng đường xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của Lâm Trung Thủy cũng gặp không ít khó khăn như: Xã được hình thành trên cơ sở sáp nhập ba xã, địa bàn trải rộng, phong tục tập quán, đời sống của các khu vực không đồng đều…

Để giải quyết những khó khăn này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã bám sát và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát huy giá trị văn hóa, con người Đức Thọ một cách căn cơ, cụ thể nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý chí, niềm tự hào của vùng đất học.

Thông qua việc huy động, ưu tiên các nguồn lực xây dựng nhà truyền thống, ngôi nhà trí tuệ gắn với nhà thư viện cùng hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đồng bộ, tạo dựng cho người dân không gian văn hóa lành mạnh để người dân tham gia, cảm nhận rõ nét sự đổi thay, tính ưu việt của chương trình xây dựng nông thôn mới và thu hút, lôi cuốn người dân hoà nhịp với chính quyền địa phương thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới một cách bài bản.

“Nhờ khơi dậy được động lực trong dân, trong ba năm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Lâm Trung Thủy đã huy động được hơn 325 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và con em xa quê ủng hộ gần 85 tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp 52 km đường giao thông nông thôn, 10 km kênh mương, rãnh thoát nước, 12,5 km đường điện chiếu sáng; xây dựng 45 mô hình kinh tế; bảy hợp tác xã, 15 tổ hợp tác và 10 doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Toàn xã có một sản phẩm OCOP công nhận 3 sao, một mô hình sản xuất VietGap với diện tích 50 ha áp dụng cơ giới hóa các khâu và được cấp mã vùng sản xuất…”, đồng chí Đinh Văn Nam cho biết thêm.

Nhân dân xã Trường Sơn phấn đấu xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Thọ Nguyễn Anh Đức, thành quả xây dựng nông thôn mới không những thể hiện sinh động ở Lâm Trung Thủy mà còn được thể hiện một cách toàn diện ở Đức Thọ. Tính đến nay, toàn huyện có 4/15 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 8/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 119/142 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích đạt 130 triệu đồng/ha.

Toàn huyện có 12.283 hộ đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 64 hộ đạt cấp Trung ương. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai sâu rộng và hiệu quả, tạo được chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội. Tính đến nay, toàn huyện có 30.475 gia đình văn hóa, 155 thôn, tổ dân phố đạt văn hóa. Dự kiến đến cuối năm 2024, địa phương sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Chia sẻ với chúng tôi về giải pháp tiếp nối mạch nguồn văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Thành Đồng, Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết: Xác định xây dựng, phát triển toàn diện con người là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ về văn hóa, đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thời gian tới, Đức Thọ sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội về xây dựng và phát triển văn hóa, con người.

Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, tăng cường đầu tư và huy động xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa, con người Đức Thọ. Xây dựng, phát triển du lịch văn hóa tâm linh gắn với phát huy các sản phẩm văn hóa cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân, tăng cường công tác giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người Đức Thọ.

Theo Ngô Tuấn ( bao Nhandan.vn 0


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.373.380
    Trong năm: 1.366.997
    Trong tháng: 141.670
    Trong tuần: 28.102
    Trong ngày: 2.549
    Online: 42