Nhà thờ Phạm Văn Lãng tại thôn Lộc Phúc (xã Tân Dân– Đức Thọ) được xây dựng để ghi nhớ công lao của vị quan dưới triều nhà Nguyễn đối với quê hương, đất nước.

Sáng ngày 18/8, UBND xã Tân Dân (huyện Đức Thọ) long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di  tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Phạm Văn Lãng. Dự lễ  đồng chí Nguyễn Viết Trường, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh; Đ/c Nguyễn Tiến Thắng, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Đ/c Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo phòng VH-TT; cấp ủy chính quyền xã Tân dân cùng đông đảo nhân dân trong vùng, con cháu dòng họ.

Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân Nguyễn Hữu Thọ khai mạc buổi lễ.

Theo Gia phả ghi lại: Phạm Văn Lãng, hiệu Lộc Phong, sinh năm Kỷ Mùi (1859), niên hiệu Tự Đức thứ 13, thời Nguyễn, trong một gia đình nghèo khó. ở thôn Nhân Thi, xã Phụng Công, tổng Đồng Công, huyện Đức Thọ (nay là xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).

Chủ tịch UBND xã Tân Dân Phan Trọng Thể tóm tắt di tích lịch sử nhà thờ Phạm Văn Lãng ở thôn Lộc Phúc, xã Tân Dân.

Năm 1885, khi phong trào Cần Vương chống Pháp ông tham gia và bị thực dân Pháp bắt giam 2 tháng. Sau khi được thả ra, ông trở về dạy học. Năm 1891 ông tham gia và đỗ Cử nhân kỳ thi Hương ở Trường thi Nghệ An, được bổ dụng Hậu bổ tỉnh Nghệ An. Tháng 5 năm 1899, ông thành lập Tổng hội Tư văn Tổng Đồng Công. Đây được coi là một trong những Hội sinh hoạt văn hóa sớm của tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ.

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Đức Thọ trao bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho địa phương, đại diện dòng họ.

Năm 1904, ông được bổ chức quyền Tri phủ Diễn Châu, rồi quyền Tri huyện Yên Thành (Nghệ An). Năm 1907, ông được bổ chức Tri huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Quá trình làm quan, Phạm Văn Lãng đã luôn gần gũi nhân dân lao động, dù ở vị trí nào ông cũng có đóng góp đối với nhân dân và quê hương, đất nước, luôn đặt lợi ích chung của người dân lên hàng đầu.

Nhà thờ Phạm Văn Lãng, tại thôn Lộc Phúc, xã Tân Dân.

Do có nhiều công lao với dân, với quê hương, nên sau khi ông mất (năm 1916) con cháu họ Phạm và dân làng đã chôn cất chu đáo và lập đền để phụng thờ.  Đặc biệt, những năm gần đây, con cháu trong dòng họ đã đóng góp công sức, kinh phí để tu bổ nhà thờ, đáp ứng nhu cầu thờ phụng, lễ tết của dòng họ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống quý báu có từ ngàn đời mà các bậc tiền nhân đi trước đã để lại.

Cán bộ, nhân dân và con cháu dòng tổ chức rước Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Phạm Văn Lãng.

 Nhà thờ Phạm Văn Lãng là công trình khá độc đáo theo các di tích triều Nguyễn có kết hợp kiến trúc phương Tây với những khối cửa hình vòm cuốn, dạng gotic.  Kiến trúc gồm Thượng điện 1 gian, Trung điện 3 gian nằm ngang, Hạ điện 3 gian nằm dọc. Cả 3 hạng mục này liên kết với nhau thông qua hệ mái và các bức tường được xây liên hoàn, không có cột.

Nhà thờ Phạm Văn Lãng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là niềm vinh dự tự hào nhưng cũng là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng con cháu dòng họ tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị di tích cho thế hệ mai sau.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định số 1985/QĐ-UBND ngày 15/8/2024 xếp hạng Nhà thờ Phạm Văn Lãng là Di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cấp tỉnh.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.503.946
    Trong năm: 1.287.348
    Trong tháng: 110.398
    Trong tuần: 24.306
    Trong ngày: 455
    Online: 18