Lê Ninh thuở thiếu thời nổi tiếng thông minh, ứng đối nhanh nhẹn, quả quyết, hào hiệp, thường bày trò chơi trận giả đánh Tây với các bạn cùng trang lứa. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nạn ngoại xâm, cậu Ấm Ninh sớm nung nấu lòng căm thù giặc và ý thức cứu nước với lời thề "Trọn kiếp thề sống chết với sông Lam, núi Hồng" ("Lam thủy Hồng sơn thệ tử sinh" - Tự vịnh)...

Trong "Nhị thập bát tú" (28 danh nhân) của đất Hà Tĩnh, làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ có 4 vị góp mặt, đều là người họ Lê. Cụ Lê Văn Huân, từng đậu Giải nguyên, sau trở thành một lãnh tụ của Tân Việt Cách mạng đảng, bị Pháp bắt và tự tử bằng quản bút trong nhà lao Vinh năm 1929.

Ông Lê Thiệu Huy, Tham mưu trưởng Liên quân Việt - Lào kháng Pháp, người đã lấy thân chắn đạn cho Hoàng thân Xuphanuvong khi dùng thuyền vượt sông Mê Kông sang đất Thái Lan, chấp nhận sự hy sinh khi mới 26 tuổi (năm 1946).

Ông Lê Văn Thiêm, tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam. Người còn lại, cũng là người ở cách chúng ta xa nhất, cậu ấm Lê Ninh, đã được nhắc đến trong nhiều tài liệu lịch sử nhưng hậu thế vẫn ít người biết đến.

Đầu xanh chí lớn

Tháng 10/1885, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng là người được vua Hàm Nghi và Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết phong chức Thống đốc quân vụ đại thần với trọng trách tổng chỉ huy phong trào Cần Vương vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình. Ròng rã suốt mười năm cuối thế kỷ XIX (1885-1895), cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo đã phát triển mạnh mẽ, gây cho địch những tổn thất nặng nề.

Cụ Phan Đình Phùng đã trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng yêu nước trong vùng. Các cuộc khởi nghĩa với quy mô nhỏ khác đã dần dần quy tụ về cuộc khởi nghĩa Hương Khê; các thủ lĩnh của các cuộc khởi nghĩa ấy đã trở thành tướng lĩnh dưới sự chỉ huy của cụ Phan Đình Phùng như Cao Thắng (Hương Sơn), Nguyễn Trạch và Nguyễn Chanh ở Can Lộc, Nguyễn Huy Thuận ở Thạch Hà…

Trong đó không thể không nhắc đến Lê Ninh, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần vương đầu tiên trên đất Hà Tĩnh và sau trở thành một thủ lĩnh tài ba của nghĩa quân Hương Khê.

Lê Ninh - còn gọi là cậu Ấm Ninh hay Bang Ninh - sinh năm 1857; cha là Lê Duy Khanh từng giữ chức Bố chánh tỉnh Bình Định. Dòng họ Lê ở xã Trung Lễ là một dòng họ nổi tiếng. Gia đình ông Lê Duy Khanh có 5 người con trai đều tham gia phong trào Cần Vương. Con trai Lê Ninh là Lê Nghệ cũng tham gia phong trào hậu Cần Vương, bị giặc Pháp bắt và hy sinh trong ngục vào năm 1916 lúc 33 tuổi.

Lê Ninh thuở thiếu thời nổi tiếng thông minh, ứng đối nhanh nhẹn, quả quyết, hào hiệp, thường bày trò chơi trận giả đánh Tây với các bạn cùng trang lứa. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nạn ngoại xâm, cậu Ấm Ninh sớm nung nấu lòng căm thù giặc và ý thức cứu nước với lời thề "Trọn kiếp thề sống chết với sông Lam, núi Hồng" ("Lam thủy Hồng sơn thệ tử sinh" - Tự vịnh).

Cậu Ấm Ninh mới 17 tuổi đã tham gia phong trào đấu tranh của Trần Tấn và Đặng Như Mai chống lại hòa ước Giáp Tuất (1874) bạc nhược của triều đình. Cuộc đấu tranh thất bại, Lê Ninh bị giặc bắt giam gần một năm nhưng ông không hề nản chí mà càng nung nấu quyết tâm đánh giặc.

Được thả ra, Lê Ninh về quê, rước ông Lê Năng làm thầy, cùng 4 người em trai đêm ngày nghiên cứu binh thư, tập luyện võ nghệ, liên kết anh hùng hào kiệt, chuẩn bị vũ khí, tích trữ lương thực chờ đợi thời cơ. Ông Lê Năng, còn gọi là Tán Năng, còn có tên là Lê Phức, một người con của dòng họ Lê ở Trung Lễ - là thầy dạy võ cho nghĩa quân, sau cũng trở thành một tướng lĩnh của nghĩa quân.

Ngày 13/7/1885, tại sơn phòng Tân Sở - Quảng Trị, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần vương lần thứ nhất, Lê Ninh với tất cả tinh thần hăng hái đã cùng với các văn thân sĩ phu trong vùng ứng chiếu, vận động nhân dân dựng cờ khởi nghĩa.

Có một giai thoại thú vị về chuyện tề gia của người anh hùng. Cha ông, Lê Duy Khanh, Bố chánh tỉnh Quảng Trị lúc đầu đã can ngăn con không nên khởi nghĩa. Nhưng trước nhiệt huyết yêu nước của con trai, ông đã theo về đại nghĩa, dốc hết gia tài để lo việc quân. Theo lời kể của người dân Trung Lễ, gia sản ông Lê Khanh có 12 chum vàng(?) đã bỏ ra hết để phục vụ quân đội.

Ông tập hợp nhân dân tại Đình Trung làm lễ tế cờ. Bên đại kỳ "Phục quốc" có lá cờ hiệu màu đỏ viết hai chữ "Mạnh Khang" là tên hiệu của Lê Ninh. Ông giải thích cho mọi người hiểu rõ nhiệm vụ cấp bách của toàn dân là phải ra sức cứu nước và kêu gọi mọi người đồng tâm hiệp lực, đóng góp sức người sức của để ủng hộ nghĩa quân, tham gia phong trào, giết bọn tay sai, khôi phục giang sơn.

Với truyền thống yêu nước nồng nàn và niềm tin tưởng vào tài năng, uy tín của Lê Ninh, nhân dân Trung Lễ đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông một cách nhiệt liệt, trai tráng trong làng nô nức tòng quân, ủng hộ nhân tài, vật lực cho nghĩa quân. Đặc biệt, con cháu họ Lê tham gia rất đông và nhiều người đã có những chiến công xuất sắc, trở thành những tướng lĩnh tài ba như Lê Diên, Lê Trực, Lê Võ, Lê Phác, Lê Hoạt, Lê Phất…

Lê Ninh còn về quê vợ ở làng Phù Long, Hưng Nguyên, Nghệ An tuyển hai vệ quân. Tham gia nghĩa quân còn có những anh hùng hảo hán, lục lâm thông thạo đường rừng, đường thủy. Lê Ninh còn xuống làng Trung Lương và Vân Chàng vận động, tuyển mộ những thợ rèn xuất sắc để chế tạo vũ khí cho nghĩa quân.

Lê Ninh đã cho xây dựng làng Trung Lễ thành một căn cứ kháng chiến (còn gọi là Đại đồn, sau trở thành Lễ thứ, một trong 15 quân thứ của nghĩa quân Phan Đình Phùng). Đại đồn Trung Lễ có doanh trại quân đội, kho chứa lương thực, nơi cất giữ và chế tạo vũ khí, đường giao thông, công sự và bao bọc bởi luỹ tre dày đặc. Với sự ủng hộ hết lòng của nhân dân và tài chỉ huy của Lê Ninh, chỉ trong một thời gian khoảng 4 tháng, Đại đồn đã hoàn thành.

Cũng trong thời gian ấy, Lê Ninh đã tập hợp được một đội quân lên tới 1.000 người với đội ngũ tề chỉnh, kỷ luật nghiêm minh và tinh thần chiến đấu hăng hái. Nghĩa quân có trang phục áo thâm, thắt lưng xanh, cờ hiệu ngũ sắc; vũ khí bao gồm gươm giáo, mã tấu, khiên, súng tự tạo và máy bắn đá.

Trung Lễ là vùng đồng bằng, không có ưu thế về địa lợi nhưng lại vượt trội về nhân hòa. Với một địa hình đồng bằng không có gì hiểm trở, nghĩa quân trong Đại đồn Trung Lễ đã duy trì cuộc chiến ròng rã 10 năm trời, gây cho địch rất nhiều khó khăn, tổn thất. Đây là một đóng góp đặc biệt quan trọng của Lê Ninh vào kinh nghiệm xây dựng làng kháng chiến ở vùng đồng bằng.

Chiến công hạ thành Hà Tĩnh

Chiến công đầu tiên và cũng là chiến công vang dội nhất của nghĩa quân là trận đánh hạ thành Hà Tĩnh. Khi vua Hàm Nghi xuất bôn ra sơn phòng Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã ra lệnh cho Lê Đại - Bố chánh Hà Tĩnh ra đón, nhưng y đã kháng chỉ. Mật báo cho biết y có âm mưu phản trắc, nhà vua đã mật lệnh cho Lê Ninh phối hợp với nghĩa quân Can Lộc, Thạch Hà ra quân trừng trị.

Ngày 2 tháng 10 năm Ất Dậu (5/11/1885), toàn bộ quân khởi nghĩa dưới quyền chỉ huy của Lê Ninh đã cấp tốc hành quân vào Hà Tĩnh, phối hợp với lực lượng của Nguyễn Duy Chanh và Nguyễn Duy Trạch (Can Lộc) cùng nghĩa quân Thạch Hà do Nguyễn Cao Đôn chỉ huy đã bao vây thành Hà Tĩnh.

Phối hợp với nghĩa quân có dân binh từ nhiều làng của Hà Tĩnh phục kích tại Chợ Củi (Nghi Xuân) và Kẻ Treo (Đậu Liêu) để phòng chặn quân giặc từ Vinh vào giải vây.

Bằng yếu tố bí mật, bất ngờ, chuẩn bị chu đáo, kết hợp nội công ngoại kích, khiến kẻ địch hoàn toàn bị bất ngờ không kịp trở tay, chỉ trong một thời gian rất ngắn nghĩa quân đã hạ thành Hà Tĩnh, bắt sống Bố chánh Lê Đại, giải phóng tù nhân (trong đó có Cao Thắng - về sau là một tướng lĩnh trụ cột của nghĩa quân Phan Đình Phùng) thu toàn bộ khí giới, vàng bạc, lương thực, một số voi, ngựa chiến.

Thắng lợi của nghĩa quân càng trọn vẹn khi không hề có một sự tổn thất nào về người.

Sau khi ra lệnh giết chết Lê Đại và tổ chức khao quân trong 3 ngày, Lê Ninh cắt một tướng giữ thành, còn mình chỉ huy nghĩa quân đem theo chiến lợi phẩm lên sơn phòng bái yết vua Hàm Nghi. Nhà vua khen ngợi chiến công của nghĩa quân, phong Lê Ninh làm Bang biện quân vụ, thưởng cho 10 lạng vàng và truyền lệnh về trấn thủ Đại đồn Trung Lễ, phối hợp với Phan Đình Phùng đánh giặc. Từ đây, Lê Ninh đã trở thành một tướng lĩnh đặt dưới quyền chỉ huy của cụ Phan Đình Phùng.

Ngay sau đó, Lê Ninh đã chỉ huy trận đánh phối hợp với nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng. Lúc này, cụ Phan Đình Phùng cũng đang tổ chức xây dựng làng kháng chiến ở Đông Thái (Tùng Ảnh) và bị những người xấu ở vùng tả ngạn sông La do Pháp xúi giục đốt trại rèn vũ khí. Cụ Phan Đình Phùng đã lãnh đạo nghĩa quân Đông Thái tấn công kẻ thù. Lê Ninh đã chỉ huy nghĩa quân tiếp viện khiến kẻ thù khiếp sợ phải cầu viện quân Pháp.

Trước hỏa lực mạnh của địch, nghĩa quân Lê Ninh phải rút về cố thủ tại Đại đồn Trung Lễ. Giặc Pháp tấn công quyết liệt, san phẳng Đại đồn, nghĩa quân phải rút lên vùng núi Hương Khê phối hợp với nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng xây dựng lực lượng.

Trong phong trào Cần Vương, làng Trung Lễ bị giặc triệt hạ hai lần, chúng chặt hết cây cối, đốt nhà, cướp của, đổi tên làng thành Lạc Thiện, bắt dân phải ra đồng dựng lều để ở nhưng nhân dân Trung Lễ vẫn không hề nhụt chí, khi chúng rút đi lại tiếp tục củng cố, xây dựng Đại đồn.

Dưới sự chỉ huy của Lê Ninh, đầu năm 1886, nghĩa quân đã đánh đồn Dương Liễu (Nam Đàn) để mở đường cho vua Hàm Nghi ra Bắc. Áp dụng chiến thuật du kích, bí mật hành quân cấp tốc, cho quân cải trang thành dân thường vào thành làm nội ứng, kết hợp với sự ủng hộ của nhân dân địa phương, nghĩa quân đã nhanh chóng diệt đồn, bắt sống và trừng trị Binh Duật - một tên ác ôn khét tiếng có nhiều nợ máu với nhân dân. Chiến thắng Dương Liễu đã làm nức lòng nhân dân và sĩ phu Nghệ - Tĩnh, một lần nữa khẳng định tài năng quân sự xuất sắc của Lê Ninh.

Anh hùng bất tử

Nhưng một tổn thất to lớn đã đến với nghĩa quân: Sau chiến thắng, Lê Ninh ốm nặng. Các thủ lĩnh và anh em nghĩa quân đã ra sức chạy chữa, song "muôn trùng chướng khí" trong những năm tháng gian lao chiến đấu đã không cho người anh hùng tiếp tục sự nghiệp. Ngày 15/12/1887, Lê Ninh trút hơi thở cuối cùng, lúc vừa tròn 30 tuổi!

Thương tiếc người anh hùng trẻ tuổi, vị tướng tài ba và người đồng chí thân thiết, cụ Phan Đình Phùng đã có câu đối viếng Lê Ninh:

"Tuy vận thành bại do thiên, xướng nghĩa tiên thanh tồn Nghệ Tĩnh. Kham thán anh hùng vô địa, phù quân đại tiết hữu Hồng Lam".

Nghĩa là: "Tuy rằng thành bại tự trời, tiếng xướng nghĩa trước tiên còn truyền Nghệ - Tĩnh; Than nhẽ anh hùng bạc mệnh, tiết phù vua cao cả bất tử với Hồng Lam"

  Trần Quang Đại


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.473.789
    Trong năm: 1.306.934
    Trong tháng: 100.950
    Trong tuần: 28.198
    Trong ngày: 4.688
    Online: 38