Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), Văn phòng điều phối thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, UBND huyện Đức Thọ vừa tổ chức đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm trồng lúa trên ruộng Rươi, Cáy ở TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương. Tham gia đoàn có lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm quy hoạch thiết kế nông thôn tỉnh, ở huyện có các đ/c Trần Hoài Đức P.Bí thư huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện, lãnh đạo phòng TNMT, phòng NN&PTNT, Trung tâm ứng dụng chuyển giao KHKTvà bảo vệ cây trồng vật nuôi. Lãnh đạo UBND xã Yên Hồ, Bùi La Nhân, Quang Vĩnh và 3 HTX Yên Nhân, Thống Nhất, Sông Lam, 8 hộ sản xuất lúa trên ruộng Rươi, Cáy.
Thăm quan lúa Giống sản xuất Mạ khay tại HTX Thụy Hương - Kiến Thụy, Hải Phòng
Tham quan quy trình cải tạo đất sản xuất Mạ khay
Tại huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng đoàn đã tham quan mô hình dịch vụ mạ khay tại HTX Thụy Hương do bà Nguyễn Thị Hà làm giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Hiện nay HTX thực hiện gieo mạ khay cung cấp cho bà con nông dân sản xuất. Theo đó với phương thức sản xuất theo quy trình khoa học, đất đỏ được lấy từ tỉnh Thanh Hóa và Hải Phòng đưa về xay nhỏ trộn với trấu và phân Gà hoai mục sau đó tiến hành gieo lúa giống lên khay, qúa trình mạ sinh trưởng, HTX sẽ theo dõi chăm sóc, phòng trừ bệnh để cây mạ phát triển tốt và cung cấp tận chân ruộng với giá 150 ngàn đồng/sào Bắc bộ 360m2. Với cách làm này người nông dân được HTX Thụy Hương cung cấp luôn lúa giống theo yêu cầu, đảm bảo quy trình gieo mạ và sự sinh trưởng của cây mạ chống chịu sâu bệnh ngay từ ban đầu. Bà Nguyễn Thị Hà Giám đốc HTX cho biết hiện nay HTX nhận cung cấp mạ khay cho 4 tỉnh; Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam và Thái Bình.
Tiếp đó đoàn đã đến xã Ngũ Phúc huyện Kiến Thụy thành phố Hải phòng tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất lúa sạch trong hệ sinh thái nuôi Rươi, Cáy không thuốc BVTV và phân bón hóa học.
Hiện tại HTX Thụy Hương đang liên kết với các hộ nông dân ở 3 xã Kiến Quốc, Tân Trào, Đoàn Xá huyện Kiến Thụy sản xuất lúa một vụ trên diện tích 150ha ruộng Rươi, Cáy. Với cách làm HTX đứng ra cung cấp các dịch vụ giống, phân bón vi sinh, công làm đất...và bao tiêu sản phẩm lúa, Rươi, Cáy sau khi các hộ nông dân thu hoạch trừ chi phí còn lãi sẽ chia 50/50, hộ nông dân hưởng 50% giá trị sản phẩm và HTX hưởng 50%.
Đoàn được HĐQT HTX Thụy Hương chia sẻ kinh nghiệm sản xuất
Để có năng suất cao từ cây lúa và Rươi, Cáy HTX Thụy Hương đã đứng ra tuyên truyền, vận động bà con phá bỏ bờ vùng bờ thửa tập trung diện tích lớn thuận tiện cho việc sản xuất và điều tiết nước ra vào hợp lý để con Rươi, Cáy phát triển. Diện tích đất ruộng của các hộ dân sẽ được quản lý theo công nghệ máy móc định vị.
Với cách làm này sản lượng Rươi sẽ đạt 30kg/Sào Bắc bộ 360m2, và 10 triệu đồng tiền Cáy/1 mẫu 3.600m2, lúa đạt 2,7 đến 3 tấn /ha bằng 1/3 năng suất ruộng canh tác thông thường, nhưng bù lại thu nhập từ rươi gấp 20 lần thu nhập từ lúa. Như vậy ngoài lúa, trung bình 1ha ruộng rươi - lúa thu được 300-500kg rươi. Đây là mô hình sản xuất dựa trên môi trường cộng sinh đặc biệt của rươi và cây lúa.
Tham quan sản phẩm OCOP
Hiện tại, Hải Phòng có diện tích đất ngoài đê thích hợp với sản xuất lúa – rươi khoảng 2.000 ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy. Cũng theo bà Hà, tiềm năng để trồng lúa trên ruộng rươi ở Hải Phòng rất lớn, nhưng chưa triển khai hết. Để bà con quan tâm sản xuất lúa rươi thì sản phẩm này phải được người dân cảm nhận rõ là đặc sản, giá trị kinh tế mang lại phải thật sự khác biệt so với các sản phẩm nông nghiệp khác.
Tham quan hệ thống thủy lợi điều tiết nước cho ruộng Rươi ở Xã An Định, Tứ Kỳ, Hải Dương
Tại xã An Định huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương và xã Giang Viên huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng đoàn đã tham quan thực tế mô hình tích tụ ruộng đất canh tác sản xuất lúa trên ruộng Rươi, Cáy. Hiện 2 xã có trên 270 ha đất ruộng Rươi được các HTX nông nghiệp đứng ra thu gom bao tiêu sản phẩm gạo, Rươi, Cáy. Cũng như cách làm ở các huyện thuộc thành phố Hải Phòng diện tích đất trồng lúa trên ruộng Rươi, Cáy được bà con nông dân phá bỏ bờ vùng, bờ thửa tạo diện tích lớn, hệ thống kênh mương thủy lợi được nhà nước và nhân dân cùng làm tạo thành một hệ thống mương khép kín chủ động cho việc dẫn nước ra vào hợp lý khi con nước thủy triều lên xuống để con Rươi, Cáy phát triển đúng với sự điều chỉnh của con người. Theo cách làm này người dân ở đây có thể thu hoach Rươi vào tầm 9 đến 12 giờ trong ngày. Ngoài ra ruộng rươi được đắp bờ vững chắc, trên bờ được trồng các loại cây ngắn ngày tăng thêm thu nhập.
Qua tham quan thực tế, các hộ sản xuất lúa trên ruộng rươi ở các xã Quang Vĩnh, Bùi La Nhân và Yên Hồ đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm, nhiều cách làm hay có tính khoa học, thời gian tới sẽ từng bước áp dụng vào sản xuất tại địa phương mình.