Bộ Nội vụ đề xuất tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thí điểm một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, giai đoạn 2022-2025 hướng đến 2030.

Nội dung này được nêu trong dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211 (ngày 25/5/2016) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, do Bộ Nội vụ chuẩn bị để lấy ý kiến nhân dân.

Bộ Nội vụ cho rằng, cần giữ ổn định số lượng và hạn chế chia đơn vị hành chính các cấp. Các đơn vị hành chính hiện tại phải được rà soát, đánh giá theo tiêu chuẩn mới. Trường hợp không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên thì tiến hành nhập, sắp xếp.

Việc sắp xếp được loại trừ với các đơn vị hành chính cấp huyện, xã đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019-2021 (trừ các địa phương vẫn có nhu cầu tiếp tục sắp xếp); nơi có điều kiện vị trí địa lý, địa hình biệt lập với đơn vị hành chính khác (ở hải đảo, cù lao); nơi có tiêu chuẩn quy mô dân số hoặc diện tích tự nhiên cao hơn từ 200% trở lên so với tiêu chuẩn chung; hoặc các trường hợp đặc thù.

Cơ quan này cũng đề nghị không thực hiện chia đơn vị hành chính các cấp, trừ trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

"Việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải đạt các tiêu chuẩn mới tương ứng quy định tại Nghị quyết, trừ những trường hợp đặc biệt", dự thảo Nghị quyết nêu rõ.

Hòa Lạc, Thạch Thất (thuộc Hà Tây cũ) với một số tòa nhà của các tập đoàn công nghệ, trường đại học sau khi sáp nhập vào Hà Nội. Ảnh: Giang Huy

Theo Bộ Nội vụ, các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với từng loại hình, đặc biệt là khu vực đô thị; nơi có yếu tố đặc thù về an ninh, quốc phòng, miền núi, vùng cao. Quy định về thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cũng phải thay đổi để phù hợp với thực tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và phát triển đô thị.

Với mục tiêu đó, Bộ tham mưu bổ sung một điều quy định về tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn so với các đô thị cấp huyện khác. Cụ thể, quy mô dân số tại đây phải từ 250.000 người trở lên (quận là 200.000 người, thành phố thuộc tỉnh là 180.000 người, thị xã là 120.000 người); diện tích tự nhiên từ 150 km2 (giữ nguyên như quy định hiện nay); tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 70% trở lên (thành phố thuộc tỉnh là 65%, thị xã là 50%)...

Tiêu chuẩn vùng cao cũng được đề xuất sửa đổi theo hướng tỉnh, huyện, xã miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên rộng hơn từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn chung thì quy mô dân số được giảm 25% so với quy định. Tiêu chuẩn quy mô dân số của thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận cũng tăng lên để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn (lần lượt là từ 180.000 người trở lên, từ 120.000 người trở lên và từ 200.000 người trở lên).

Tiêu chuẩn hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đối với quận, phường được sửa đổi theo hướng quy định rõ Bộ Xây dựng có thẩm quyền đánh giá để thống nhất với Nghị quyết số 1210 ngày 25/5/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị. Tiêu chuẩn diện tích tự nhiên của thị xã sửa đổi từ 100 km2 trở lên để phù hợp với quy mô của thị xã trong tổng thể đơn vị hành chính đô thị ở cấp huyện...

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 1211 (từ 2016 đến 2021), đặc biệt là sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 653 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước đã được khắc phục cơ bản.

Kết quả bước đầu, cả nước giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện (từ 713 còn 705), giảm 563 đơn vị hành chính cấp xã so với năm 2016 (từ 11.162 còn 10.599). Các đơn vị hành chính nông thôn có xu hướng giảm (giảm 18 huyện, 707 xã, do nhập hoặc chuyển thành đơn vị hành chính đô thị). Các đơn vị hành chính đô thị có xu hướng tăng nhanh (tăng 13 thành phố thuộc tỉnh, 138 phường và 6 thị trấn). Mô hình "thành phố trong thành phố" đã được triển khai (thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM).

"Một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa quyết tâm thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tiến độ thực hiện còn chậm so với lộ trình đề ra", Bộ Nội vụ đánh giá.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội cuối năm 2018, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, thành. Theo ông, một số nước láng giềng, có nước diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu cũng chỉ có 47 đơn vị. Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 gồm 44 tỉnh, thành nhưng nay đã lên 63.

Ông cũng cho rằng, sau khi mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện. Thực tiễn này cho thấy, sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.495.456
    Trong năm: 1.294.394
    Trong tháng: 110.782
    Trong tuần: 27.114
    Trong ngày: 2.709
    Online: 25