Chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở ở Đức Thọ.

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc, toàn huyện Đức Thọ có hơn 10 nghìn gia đình chính sách, người có công, 3.700 liệt sĩ, 262 mẹ VNAH, trên 3.900 thương, bệnh binh, 1.038 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học và con đẻ bị phơi nhiễm.

Những năm qua, không chỉ thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước,  mà cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở ở huyện Đức Thọ luôn quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, người có công. Nhất là trong công tác phụng dưỡng mẹ VNAH, chăm sóc chu đáo cả vật chất lẫn tinh thần, để các mẹ sống vui, sống khỏe. Hiện 8 mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, nhận phụng dưỡng suốt đời.

Kho bạc Nhà nước huyện, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH Trần Thị Đỏ, xã Trường Sơn thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ.

Xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ quan trọng, trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hàng năm huyện Đức Thọ tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công, với tổng số tiền  trên 3,5 tỷ đồng, đầu tư nâng cấp, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ huyện, nhà bia ghi tên liệt sỹ các xã, thị trấn; Vào dịp 27/7 hàng năm, đều tổ chức các đoàn chăm sóc, tổng dọn vệ sinh và dâng hương, dâng hoa, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ huyện và nhà bia ghi tên anh hùng liệt sỹ các xã, thị trấn.

Nghĩa trang Liệt sĩ huyện nơi an nghỉ của trên 700 anh hùng liệt sĩ  người con quê hương Đức Thọ và những chiến sĩ  ở các tỉnh tham gia chiến đấu, hi sinh tại địa phương, hàng năm đều được đầu tư, nâng cấp, tu sửa.

Đặc biệt, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã huy động từ các nguồn lực số tiền trên 28 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây mới 668 nhà ở cho gia đình chính sách, người có công, giúp họ có cuộc sống ổn định.

Ngôi nhà mới của Bà Phan Thị Khanh, thôn Trung Nam, xã An Dũng là vợ của Liệt sĩ Đào Nghi, hi sinh năm 1952, tại chiến trường Quảng Trị được xây dựng nhờ sự hỗ trợ 70 triệu đồng theo Quyết định 22,  ngày 20/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ, và  sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, bà con nhân dân.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn, huyện Đức Thọ luôn ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; tạo điều kiện về đất đai trong vùng sản xuất tập trung; khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi bằng việc hỗ trợ về cây, con giống, khoa học - kỹ thuật..., Qua đó, giúp nhiều gia đình chính sách và người có công phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Nhiều gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện được vay vốn chính sách để phát triên kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Ông Trần Toại Nguyện, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện  cho biết: “ Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 3.000 hộ gia đình chính sách, người có công đang quan hệ vay vốn với Ngân hàng chính sách. Đối với những hộ này, Ngân hàng luôn dành nhiều ưu đãi, ưu tiên, tạo điều kiện để họ được hỗ trợ về nguồn vốn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống”.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân về công tác Đền ơn đáp nghĩa không ngừng được đẩy mạnh, tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị đã tích cực đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, phù hợp, từ đó tạo được sự lan tỏa, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hoá, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.

Chiến tích Tự vệ đỏ Bến Thánh, xã Thanh Bình Thịnh nơi 14 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh để bảo vệ làng trong Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 vừa được tôn tạo, xây dựng lại  từ 100% nguồn vận động xã hội hóa của các doanh nghiệp, con em xa quê và nhân dân, trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương.

“Trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quan tâm, chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, huyện Đức Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào ‘đền ơn đáp nghĩa”, ‘Uống nước nhớ nguồn" một cách sâu rộng, tạo sự lan tỏa, huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội”. Ông Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.

Công tác Đền ơn đáp nghĩa ở huyện Đức Thọ đã và đang được quan tâm thực hiện, bằng nhiều việc làm thiết thực,  nghĩa tình, qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với những hi sinh, cống hiến của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Cũng từ đó góp phần giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhắc nhở thế hệ trẻ không ngừng nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, tiếp nối truyền thống cách mạng, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.383.881
    Trong năm: 1.357.306
    Trong tháng: 120.033
    Trong tuần: 22.541
    Trong ngày: 2.465
    Online: 51