Do ảnh hưởng của bão Noru, tình hình thời tiết những ngày tới sẽ diễn biến hết sức phức tạp, để chủ động ứng phó với hoàn lưu sau bão có thể xảy ra, xã Đức Đồng đã sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân.
Hệ thống bờ kè sông Ngàn sâu đi qua thôn Lai Đồng đã được xây dựng kiên cố, giúp nhân dân yên tâm phần nào sự ảnh hưởng của mưa lũ.
Xã Đức Đồng là một trong những xã vùng thượng, có nguy cơ sạt lở cao khi có mưa lũ lớn xảy ra. Bởi địa hình phần lớn là đồi núi, lại có trên 3 km sông Ngàn sâu đi qua, vì vậy khi có mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về, mực nước sông dâng cao, có khả năng sẽ xảy ra ngập lụt cục bộ.
Tại thôn Lai Đồng, đơn vị nằm dọc bờ sông Ngàn sâu, với 219 hộ, trong đó có khoảng 25 hộ sinh sống sát mép sông. Có nguy cơ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu có mưa lũ lớn đổ về. Năm nay, hệ thống kè dọc sông với chiều dài 2 km mới được xây dựng kiên cố, đã phần nào giúp người dân yên tâm.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn hơn 1 km bờ sông chưa được kè, nhiều năm nay xuất hiện những điểm sạt lở nặng, có nơi lở sâu đến vài chục mét.
Ông Phạm Thanh Hồng – Bí thư chi bộ thôn Lai Đồng cho hay: người dân nơi đây vốn đã sống chung với lũ, cho nên đến thời điểm hiện tại, hộ nào cũng đã có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, và kê gác những đồ dùng, vật dụng cần thiết lên cao, còn về vật nuôi, mỗi nhà chăn nuôi từ 5 – 8 con trâu bò, cũng đã sẵn sàng phương án lùa bò lên đồi cao để tránh lũ.
Ông Lê Văn Huế - Phó chủ tịch UBND xã Đức Đồng cho biết thêm: Ở xã Đức Đồng có 5 thôn, trong đó Lai Đồng là đơn vị nằm ở vũng sâu trũng nhất. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng, do hàng năm chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Hàng năm, địa phương luôn chủ động các phương án 4 tại chỗ phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt trước mắt, để chủ động đối phó với hoàn lưu bão số 4 trong những ngày tới, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, cập nhật tình hình của bão, đồng thời cảnh báo người dân không chủ quan, vì mưa lũ lớn có thể xảy ra. Đối với những hộ sát mép sông chúng tôi đã phân công lực lượng sẵn sàng hỗ trợ người dân sơ tán khi cần thiết. Chúng tôi cũng đã hợp đồng với các chủ phương tiện, sẵn sàng huy động khi có tình huống bất ngờ.
Với quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, xã Đức Đồng đang tập trung cao cho công tác ứng phó với bão số 4 và hoàn lưu sau bão. Địa phương cũng đang đôn đốc người dân tập trung nhân lực nạo vét, khơi thông hệ thống thủy lợi nội đồng, bảo vệ trên 100 ha ngô vụ đông mới gieo trỉa.
Còn tại xã Liên Minh, để chủ động ứng phó an toàn với mưa bão, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Liên Minh đang khẩn trương tiến hành các phương án gia cố hồ nuôi, lồng bè.
Những ngày này, tại mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Trần Song Anh, thôn Thọ Ninh, lực lượng công nhân luôn túc trực để chằng néo, gia cố lại các hồ nuôi, nhằm giảm thiểu rủi ro khi mưa bão đến.
Mô hình có 11 ao ươm ốc giống, ốc thịt, thời điểm này có trên 60 vạn ốc giống đã được anh thả từ hơn 3 tháng trước đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Huyện Đức Thọ có 5 xã vùng ngoài đê gồm Trường Sơn, Liên Minh, Tùng Châu, Bùi La Nhân và Quang Vĩnh, đây là những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề, có thể bị ngập sâu do thiên tai, lũ lụt.
Ông Trần Đình Văn, Thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã Liên Minh cho biết thêm: Bám sát công điện chỉ đạo của BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai trong việc triển khai các phương án ứng phó với bão số 4, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã những thông tin, diễn biến mới của bão, mưa lũ để nhân dân chủ động phòng tránh. Đồng thời, yêu cầu người dân khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, có biện pháp bảo vệ lồng bè, chuồng trại gia súc, gia cầm, kê gác tài sản, khơi thông hệ thống kênh mương tiêu úng. Đối với những thuyền, bè đang hoạt động trên sông La, yêu cầu tìm nơi neo đậu an toàn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xẩy ra.
Với việc chủ động tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với bão Noru của chính quyền và nhân dân các xã vùng thượng, ngoài đê, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.