Cùng với phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, những năm gần đây, người dân xã Đức Lạng huyện Đức Thọ đã tận dụng lợi thế của vùng bán sơn địa, để phát triển nghề nuôi ong lấy mật cho thu nhập khá.

Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật được xem là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân xã Đức Lạng.


Tận dụng địa bàn đồi núi, Ông Lê Minh Hồng, thôn Hà Cát xã Đức Lạng có gần 20 năm gắn bó với nghề nuôi ong. Hiện ông đang nuôi trên 50 đàn, mỗi năm cho thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ mật, mỗi năm, ông Hồng còn xuất bán khá nhiều ong giống, với giá trung bình 1 triệu đồng/1tổ. 

Ông Hồng cho biết: Nuôi ong chi phí đầu tư thấp, vốn đầu tư ban đầu không lớn, không mất nhiều diện tích. Khi đã có kinh nghiệm rồi thì công việc nuôi ong cũng không phải vất vả nhiều, chỉ phải dành nhiều thời gian quan tâm đến chúng. Tôi thấy rất phù hợp với sức khỏe tuổi già như tôi. Không nặng nhọc hay áp lực, bù lại có thêm niềm vui. 

Nghề nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc, nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ, tỉ mỉ. Khó khăn nhất với người nuôi ong, là làm sao để đàn ong không bỏ tổ. Người nuôi cần nắm được kỹ thuật, tập tính của ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách mỗi khi đàn ong quá đông ông Hồng cho biết thêm.

Thời điểm chia đàn, nhân đàn cho ong thích hợp nhất là vào tháng 2, tháng 3, tháng 10, tháng 11. Bên cạnh đó, ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao, và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như: thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ.

Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất mật cao, chất lượng.

Theo người dân ở đây, với tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và một số loại cây ăn quả, nghề nuôi ong lấy mật ở đây đang được xem là phù hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Anh Nguyễn Quốc Hùng, ở thôn Hà Cát cho biết: Chi phí gây dựng một đàn ong chỉ mất khoảng hơn 1 triệu đồng, mỗi năm có 6 tháng thu mật, chu kỳ mỗi lần thu khoảng 15 ngày. Bình quân hằng năm, mỗi đàn ong có thể cho thu hoạch 10 lít mật nguyên chất.

Hiện nay gia đình anh Hùng đang nuôi 60 đàn ong mỗi năm cho thu hoạch được gần 600 lít mật, thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng

Trước đây, nghề nuôi ong ở Đức Lạng chỉ vài hộ nhỏ lẻ, mỗi hộ nuôi từ 5 đến 6 đàn. Nhưng hiện nay, toàn xã có 55 hộ nuôi ong, với trên 700 đàn, năng suất mật bình quân mỗi năm đạt gần 7 tấn mật. Nhờ nuôi ong lấy mật, kinh tế của các hộ dân ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lạng cho biết: Để đẩy mạnh phong trào nuôi ong và giải quyết ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hiện nay Hội nông dân xã Đức Lạng đang hoàn tất các thủ tục để thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật. Tổ hội nghề nghiệp ra đời, sẽ tạo cơ hội cho bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật mới, từ đó thay đổi được thói quen nuôi ong truyền thống, nhằm nâng cao chất lượng mật. Mặt khác, giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển đàn ong, đưa mật ong trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Trên các sườn đồi, nhưng khóm hoa, những vườn cam, vườn bưởi đã và đang đơm hoa, cũng là lúc ong cho nhiều mật chất lượng tốt. Người nuôi ong ở Đức Lạng cũng đang cần mẫn đợi chờ một mùa mật ong mới.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.252.511
    Trong năm: 1.323.141
    Trong tháng: 169.606
    Trong tuần: 48.549
    Trong ngày: 2.558
    Online: 54