Di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Còn có tên đền Đồng Cần, trước thuộc làng Đồng Cần, xã Quang Chiêm, nay là xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Bà Ngô Thị Ngọc Dao (1421 - 1496?), hiệu Quang Thục Hoàng Thái hậu, là vợ thứ năm của vua Lê Thái Tông (1423 - 1442), mẹ của vua Lê Thánh Tông, vốn người làng Động Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, con quan Thái bảo Chương khánh công Ngô Từ, có mẹ là con quan Thượng thư họ Phan. Từ nhỏ bà đã nổi tiếng đức độ, thông minh; trong một lần đến thăm chị là cung tần trong cung, vua Lê Thái Tông đã gặp bà và lấy bà làm cung tần, sau phong bà làm Tiệp dư. Khi Ngọc Dao mang thai, một người phi khác là Nguyễn Thị Anh lập mưu vu khống bà để nhà vua giam bà vào chùa Huy Văn (Hà Nội). Sau khi bà sinh Hoàng tử Lê Tư Thành, sợ bị Nguyễn Thị Anh tiếp tục ám hại, Nguyễn Trãi đã cho người đưa mẹ con bà trốn ra trấn An Bang, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh. Qua nhiều biến động thời cuộc, 17 năm sau Lê Tư Thành lên ngôi, tức vua Lê Thánh Tông, và Ngô Thị Ngọc Dao trở thành Quang Thục Hoàng Thái hậu.

Năm 1471, Thái hậu Ngọc Dao cùng vua Lê Thánh Tông đưa quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn. Trên đường về Kinh, bà bị bệnh, mất trên kênh nhà Lê ở Hà Tĩnh. Vì đường tới Thăng Long quá xa, vua Lê Thánh Tông đã chôn cất Thái hậu tại xứ Đồng Cần, xã Quang Chiêm, nay thuộc xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ. Trước khi về kinh đô, nhà vua cho Điện Bàn hầu Ngô Hồng (em ruột Thái hậu Ngọc Dao) cùng năm người họ Phan (bà con bên mẹ Thái hậu) ở lại trông coi mộ phần, đồng thời hạ chiếu cấp cho họ 100 công đất để canh tác, lấy hoa lợi, lo việc tế tự. Trải qua thời gian, con cháu của những người này ngày càng đông đúc, hình thành nên ở đây một chi họ Phan có nguồn gốc từ Thanh Hóa vào. Về sau, phần mộ của bà Ngô Thị Ngọc Dao được cải táng đem về quê hương Thanh Hóa chôn cất, xây dựng lăng tẩm; còn tại trang Đồng Cần, nhân dân địa phương xây một ngôi đền để thờ bà.

 

Đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao tọa lạc trên một cánh đồng rộng, xung quanh khuôn viên có nhiều cây cổ thụ, trước mặt là đồng lúa, sau lưng là kênh nhà Lê, hai bên cây cối làng quê tươi đẹp. Kiến trúc đền theo kiểu chữ nhị (二) quay về hướng Nam, với hai tòa hạ điện và thượng điện.

Gian chính thờ tại nhà Hạ điện

Hạ điện được làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, nền lát gạch, gồm ba gian hai hồi, xung quanh có tường bao, nóc mái trang trí rồng chầu mặt nguyệt, kiểu kết cấu nhà kẻ tứ trụ hồi văn cùng với hai dãy tám cột chính, hai dãy tám cột con tạo nên tư thế vững chắc chống chọi với bão lụt thường xuyên xảy ra ở vùng chiêm trũng.

Thượng điện cũng bằng gỗ lim hai gian, hai hồi, ba vì kèo chạm trổ tinh xảo, đỉnh mái đắp rồng đội mặt nguyệt, bốn con nghê chầu bốn góc mái và cuối đuôi mái có bốn cá chép hóa rồng. Trên đường thượng lương, câu đầu đều chạm trổ đầu rồng, chim phượng, tinh tế và uyển chuyển mềm mại. Mặt trước trên các cột quyết đắp bốn đôi câu đối chữ Hán. Nội thất trong thượng điện có bàn thờ, mâm chè, ống hương bằng gỗ khắc chạm trổ rồng chầu, phượng bay; phía trong đặt đồ tế khí, chúc bản; hai bên hai dãy trường khí gồm kiếm, đao, dùi đồng, chuông, trống; chính giữa là linh vị thờ Hoàng Thái hậu. Hiện trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật và tư liệu lịch sử quí như áo, mũ, đai, hài của bà Ngô Thị Ngọc Dao. Đặc biệt, nơi đây còn có 38 đạo sắc của các vua ban cho đến suốt các thời kì mấy trăm năm qua.

Trải qua thời gian và biến thiên của xã hội, di tích đang có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Trước thực trạng đó, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Bình Thịnh cùng các cấp, các ngành liên quan đang quy hoạch, lập dự án và kêu gọi sự chung sức đóng góp của các tập thể, cá nhân trên mọi miền để trùng tu, tu bổ tổng thể di tích Đền Ngô Thị Ngọc Dao được ngày càng khang trang, to đẹp, thâm nghiêm và trường tồn với thời gian. Qua đó, góp phần phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, giáo dục truyền thống quê hương, cách mạng cho thế hệ trẻ cũng như tạo điểm nhấn để thu hút du khách về với quê hương Đức Thọ.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.280.732
    Trong năm: 1.339.248
    Trong tháng: 180.730
    Trong tuần: 48.467
    Trong ngày: 1.197
    Online: 76