Sau hơn 1 năm được TW Hội LHPN Việt Nam lựa chọn triển khai thực hiện, mô hình điểm “Phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” tại chợ Hôm, thị trấn Đức Thọ bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tiểu thương về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng.
Tháng 8/2022, mô hình “phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” được thành lập với 50 thành viên là những người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ Hôm, thị trấn Đức Thọ.
Lễ ra mắt mô hình "phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn" tại chợ Hôm, thị trấn Đức Thọ vào tháng 8/2022.
Ông Nghiêm Sỹ Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức Thọ cho biết: “Để mô hình hoạt động hiệu quả, UBND thị trấn Đức Thọ đã ban hành các quyết định thành lập tổ, phân công các thành viên theo dõi, chỉ đạo thực hiện; vận động, đôn đốc, kiểm tra các thành viên mô hình, triển khai thực hiện theo đúng quy định; Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Phát tờ rơi, bảng biển tuyên truyền, tập huấn kiến thức, hỗ trợ tạp dề, tổ chức sinh hoạt mô hình theo định kỳ”.
Với tiêu chí “đúng, đủ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng xử có văn hóa, tạo chữ tín trong kinh doanh”. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, 100% thành viên tham gia mô hình đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với các tiêu chí cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch”. Thường xuyên sắp xếp, chỉnh trang tại ki-ốt sạch, đẹp, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các mặt hàng, kiên quyết nói không với hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng phụ gia, chất cấm, chất bảo quản…
Mô hình "phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn" được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả bước đầu mang lại sự yên tâm, tin tưởng cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Kiều Trang, Tiểu thương chợ Hôm, thị trấn Đức Thọ cho hay: “ Là một thành viên của mô hình, chúng tôi nhận thấy rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình, luôn đặt cái “tâm” trong kinh doanh, thực phẩm chúng tôi bán ra có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không phân biệt sản phẩm để bán và sản phẩm gia đình sử dụng”.
"Từ ngày mô hình được thành lập và đi vào hoạt động theo đúng quy chế, đã tạo được sự tin tưởng của người dân khi đến mua hàng ở chợ, không lo mua phải hàng kém chất lượng hay thực phẩm không đảm bảo, người mua hàng rất yên tâm, tin tưởng”. Chị Nguyễn Thị Lý, thị trấn Đức Thọ cho biết.
Từ mô hình, các cấp Hội phụ nữ Đức Thọ cũng đã vận động thành viên xây dựng các sản phẩm OCOP và có 01 đạt sản phẩm Giò lụa Nhung Tuấn đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Mô hình “phụ nữ nói không với thực phẩm không an toàn” tại Chợ Hôm, thị trấn Đức Thọ, đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ Đức Thọ sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động, thu hút thêm thành viên, và nhân rộng mô hình tại các chợ trên địa bàn.