Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chỉ đạo chủ động rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn Hà Tĩnh phù hợp với diễn biến thiên tai phức tạp hiện nay theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thời gian qua, ở các tỉnh phía Bắc nước ta tình hình diễn biến của thiên tai hết sức khốc liệt, khó lường, đặc biệt là bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất đã làm thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản của Nhân dân cũng như Nhà nước. Đặc biệt, bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh gây mưa, lũ lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại nhiều tỉnh, cường độ của các trận thiên tai (bão, lũ lụt) đã vượt lịch sử; mưa lũ đã xảy ra 25 sự cố đê điều (1 sự cố vỡ đê sông Lô ở Tuyên Quang), sự cố sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ; các trận lũ quét, sạt lở đất ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn... làm thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, cơ sở hạ tầng và tài sản của Nhân dân các tỉnh phía Bắc.
Đối với Hà Tĩnh, thời gian qua, các địa phương, đơn vị đã lập, phê duyệt các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai theo quy định, chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng chống thiên tai theo nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ chung
Theo dự báo, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới; thực hiện Văn bản số 5957/VPCP-NN ngày 21/8/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động, xét đề nghị của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của Bộ NN&PNTT, của Tỉnh ủy và các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh; các phương án ứng phó với thiên tai, phòng ngừa ứng phó với bão mạnh, siêu bão năm 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh công tác quán triệt, phổ biến kiến thức về công tác phòng, chống thiên tai cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Chủ động rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai phức tạp hiện nay theo phương châm “4 tại chỗ”, yêu cầu cần đặt ra tình huống thiên tai xảy ra ở cấp độ cao nhất để có sự chuẩn bị tốt nhất, không bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh (trong đó cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt trong phòng chống bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét để giảm thiệt hại về người).
Đẩy mạnh công tác truyền thông; tuyên truyền các gương điển hình về phòng chống thiên tai qua các kênh thông tin; tổ chức tập huấn, diễn tập, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.
Tổ chức trực ban nghiêm túc để chủ động tham mưu, xử lý khi có các tình huống phát sinh trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Nhiệm vụ cụ thể
UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát, cập nhật, xác định những vùng nguy cơ cao về thiên tai đặc biệt là vùng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, vùng lũ quét, sạt lở đất để bổ sung phương án ứng phó, di dời dân trong trường hợp khẩn cấp nhằm chủ động liên lạc, thông tin cảnh báo và ứng cứu kịp thời; đồng thời phân công rõ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân để đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo kịp thời.
Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động dự trữ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm... ở những vùng thường xuyên bị chia cắt, khó khăn trong việc đi lại những tháng mùa mưa, lũ năm 2024.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kỹ năng về phòng chống thiên tai đặc biệt là hướng dẫn cách nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Kiểm tra, rà soát chặt chẽ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất.
Chỉ đạo UBND cấp xã tiếp tục kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo đúng quy định; đầu tư mua sắm trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của thiên tai trên địa bàn khi lực lượng từ bên ngoài chưa tiếp cận được.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ chủ động rà soát, kiểm tra các phương tiện, nhân lực thuộc phạm vi quản lý, chủ động điều chỉnh các kế hoạch, phương án sử dụng, huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với thiên tai cấp độ cao nhất, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương và Nhân dân ứng phó thiên tai khi có yêu cầu. Sẵn sàng lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là trong quá trình sơ tán Nhân dân kể cả nơi đến và nơi đi.
Sở GTVT rà soát phương án đảm bảo giao thông, phương tiện phù hợp với tình hình diễn biến thiên tai hiện nay; chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ phương tiện sẵn sàng ứng cứu, khắc phục sự cố thiên tai theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được UBND tỉnh giao (trường hợp cần bổ sung các phương tiện, thiết bị báo cáo UBND tỉnh kịp thời). Chủ động kiểm tra các công trình giao thông thuộc phạm vi quản lý, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện rà soát các công trình giao thông trên địa bàn, đặc biệt là các cầu, cống yếu không đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra để có biện pháp xử lý phù hợp. Tham mưu UBND tỉnh kiến nghị với cấp thẩm quyền đối với các công trình giao thông không đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh do Trung ương quản lý.
Sở TT&TT chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, không để xảy ra mất thông tin liên lạc khi có thiên tai trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng tránh thiên tai.
Sở Công thương kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đập thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành điều tiết hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn hệ thống điện trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai nhằm đảm bảo công tác chỉ huy, điêu hành phòng chống thiên tai của các cấp chính quyên, các sở, ngành được liên tục, kịp thời và sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh của người dân. Kiểm tra, rà soát, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt, chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo bình ổn thị trường khi thiên tai xảy ra.
Sở Xây dựng tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai, kỹ thuật chằng, chống nhà cửa ở những nơi thường hay xảy ra lốc xoáy, bão mạnh, lũ, ngập lụt. Tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng dự kiến di dời dân khi xảy ra thiên tai, bão lũ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi được sơ tán đến.
Sở LĐTB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác trợ giúp xã hội; chủ động rà soát nắm bắt tình hình diễn biến thiệt hại do thiên tai, tai nạn lao động gây ra để tham mưu đề xuất phương án cứu đói, thăm hỏi động viên các hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn lao động đảm bảo ổn định đời sống cho Nhân dân; theo dõi tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh, chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung thuộc thẩm quyền.
Đài Khí tượng, Thủy văn tỉnh tổ chức thu thập thông tin nhanh, kịp thời, chính xác các hình thế bất lợi của thời tiết, tình hình thiên tai, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan, cung cấp kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó nhằm đảm bảo an toàn khi thiên tai xảy ra. Chủ động cải tiến nội dung, hình thức cung cấp thông tin dự báo phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động rà soát kịp thời các phương án ứng phó với thiên tai của đơn vị mình phù hợp tình hình diễn biến thiên tai hiện nay để không bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện nhằm góp phần hạn chế thiệt hại khi có do thiên tai xảy ra.
Các đơn vị được giao quản lý các công trình thủy lợi, thủy điện, đê điều trên địa bàn tỉnh (UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chi cục Thủy lợi tỉnh, các công ty TNHH MTV Thủy lợi, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng, các Công ty cổ phần Thủy điện: Hồ Bốn, Ngàn Trươi, Hương Sơn) tổ chức vận hành hồ chứa, các hệ thống công trình thủy lợi được giao quản lý, đặc biệt là đối với các hồ chứa thủy điện, hồ thủy lợi có tràn xả sâu, hồ chứa có tác động lớn đến dòng chảy, dân sinh vùng hạ du để vận hành theo đúng quy trình được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Tổ chức lực lượng và thực hiện cồng tác tuần tra, canh gác bảo vệ công trình theo quy định; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn công trình theo phương châm “4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị bảo vệ công trình theo phương án được duyệt.
Các chủ đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Chủ đầu tư phải lập, thẩm định, phê duyệt phương án bảo vệ công trình, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại để đảm bảo an toàn cho công trình và Nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của công trình. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh về việc đảm bảo an toàn cho các công trình được giao làm chủ đầu tư.
Đề nghị Ủy ban MTQ và các đoàn thể cấp tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả nếu có thiên tai gây ra, đảm bảo không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, thiếu thuốc điều trị, nhu yếu phẩm thiết yếu. Phối hợp với các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong tình hình mới. Tuyên truyền, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn.
Giao Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh) theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thiên tai trong thời gian tới, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và pháp luật có liên quan. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các chủ quản lý công trình thuỷ lợi, đê điều thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các công trình trọng điểm (hồ Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Ngàn Trươi, đê La Giang...) theo quy định pháp luật hiện hành. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung trên; kịp thời tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh các nội dung phát sinh, vượt thẩm quyền.