Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đức Thọ đã có sự khởi sắc rõ nét trên các lĩnh vực hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, an sinh xã hội được giữ vững. Kế thừa những thành quả ấy, huyện Đức Thọ tiếp tục đặt ra những nội dung cần quan tâm để từng bước đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao

Nhìn lại chặng đường 10 năm với biết bao khó khăn thách thức trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Đức Thọ từ một vùng quê thuần nông, cơ bản độc canh cây lúa, sau 10 năm xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng và đạt được những thành tựu quan trọng: 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thị trấn Đức Thọ có nhiều tiêu chí đạt chuẩn đô thị văn minh; đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM và được Chỉnh phủ trao Quyết định công nhận huyện Đức Thọ đạt chuẩn nông thôn mới.

Mô hình dưa lứa trong nhà màng đem lại hiệu quả cao 

Về với Đức Thọ hôm nay, chúng ta thấy một diện mạo hoàn toàn mới, đấy là những con đường làng rộng rãi khang trang, những hàng cây xanh vút, cảnh quan môi trường sáng xanh sạch đẹp, những khu dân cư, vườn hộ, vườn mẫu được quy hoạch chỉnh trang, bố trí đẹp mang lại hiệu quả kinh tế cao, những hàng rào bằng cây xanh phủ mát làng quê… Hạ tầng giao thông, thủy lợi được quan tâm đầu tư, làm mới; hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa các xã, thôn được đầu tư xây dựng khang trang đồng bộ. Phát triển sản xuất theo hướng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với các mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhiều mô hình kinh tế có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm, có 84 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện. Song song với sự phát triển nông nghiệp là sự phát triển của các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với 384 mô hình thiểu thủ công nghiệp có doanh thu từ 500 triệu đồng trở lên góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp. Kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,09%; thực hiện có hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP); 100% xã có hệ thống điện chiếu sáng; công tác đào tạo nghề, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng quan tâm; cảnh quan môi trường trong khu dân cư được giữ vững đảm bảo sáng xanh sạch đẹp..

Đoàn kiểm tra của tỉnh đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP năm 2020

Từ kết quả đạt được, rút ra một số bài học kinh nghiệm cho chỉ đạo xây dựng huyện NTM nâng cao giai đoạn tới đó là:

Bài học về công tác lãnh đạo chỉ đạo: sớm xác định đây là chủ trương đúng, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từ đó thành lập đủ các Ban Chỉ đạo, Ban Giám sát các cấp, các tổ công tác chỉ đạo cơ sở. Giao ban hội ý định kỳ hàng tuần, hàng tháng theo quy định, đảm bảo công tác lãnh đạo chỉ đạo được thông suốt từ huyện đến cơ sở. Cán bộ chỉ đạo tại cơ sở phải tâm huyết nhiệt tình, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Bài học về nguồn lực đầu tư và cơ chế chính sách trong điều kiện huyện còn khó khăn: Năng động, sáng tạo, đa dạng hóa trong việc huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương từ nguồn hỗ trợ cấp trên, của con em quê hương xa quê và nguồn lực của nhân dân.Tạo được niềm tin trong nhân dân để ủng hộ. Xác định người dân là chủ thể, mọi việc cần lấy ý kiến người dân một cách nghiêm túc, từ khâu xây dựng đề án, góp ý quy hoạch đến việc xác định công trình, hạng mực đầu tư, tạo sự đồng thuận, tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức vật chất của người dân. Việc huy động sự đóng góp phải do chính nhân dân địa phương đó bàn bạc, dân chủ, tự nguyện đóng góp và tổ chức thực hiện, tránh sự bàn bạc thiếu dân chủ dẫn đến việc huy động vượt quá sức đóng góp của nhân dân.

Bài học về công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở: Phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời vướng mắc, tồn tại, đề ra chủ trương phù hợp tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện sai phạm để xử lý. Qua kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện ra những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từ đó có giải pháp cụ thể để đào tạo, luân chuyển, bố trí phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Tiếp nối những thành tựu đạt được ở giai đoạn trước; thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXX phấn đấu đên năm 2025 xây dựng huyện Đức Thọ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao. Để làm được điều đó, trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm những vấn đề sau:

1.Tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện và duy trì bền vững kết quả đạt được, từ đó đưa ra định hướng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như: Chỉnh trang khu dân cư mẫu, vệ sinh môi trường trong khu dân cư, hộ gia đình; Bám sát Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND, ngày 22/5/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, đăng ký lộ trình thực hiện hàng năm, phân công rõ người, rõ việc. Sau khi có bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao cần bắt tay vào xây dựng đề án, kế hoạch lộ trình thực hiện, phân công trách nhiệm từng phòng ban chuyên môn phụ trách tiêu chí chỉ đạo thực hiện. Giải pháp đặt ra trước mắt để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 là phải duy trì đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn các tiêu chí huyện nông thôn mới, chỉ đạo ít nhất 50% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng đồng loạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, cải tạo cảnh quan môi trường, hình thành các giá trị văn hóa cộng đồng nông thôn mới,... nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân.

2. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân: Hướng tới một nền Nông nghiệp sạch, hữu cơ, thân thiện với môi trường sinh thái; khai thác tối đa tiềm năng, phát triển các sản phẩm đặc sản của vùng, địa phương thành sản phẩm lợi thế, xây dựng sản phẩm OCOP hướng vào nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị và thương hiệu, từng bước đưa sản phẩm OCOP của huyện vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Do đó cần tập trung chỉ đạo mỗi xã đã đạt chuẩn nông thôn mới phải có ít nhất 1 sản phẩm đạt 03 sao; 6 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có ít nhất mỗi xã một đạt sản phẩm 4 sao; có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu mỗi xã đạt một sản phẩm 5 sao. Củng cố nâng cao hiệu quả, hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình kinh tế, trang trại, gia trại, tập trung nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả cao, nâng tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt trên 70%; mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả đạt trên 85%; phát triển mạng lưới hợp tác xã, tổ hợp tác tăng quy mô, đa dạng các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh; Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào nông thôn để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 65 - 70 triệu đồng/người/năm.

3. Phát triển Giáo dục - văn hóa: Cần chú trọng xây dựng một huyện Đức Thọ giảu bản sắc văn hóa dân tộc,  một vùng quê giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh; có nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cần được lưu giữ bảo tồn và phát huy, từ đó mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao với nét đặc trưng riêng về Đức Thọ. Tăng cường kêu gọi nguồn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo bảo tồn các di tích LSVH. Chú trọng phát triển các lễ hội truyền thống, làng nghề. Tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu và quảng bá các giá trị di tích lịch sử văn hóa, hình ảnh về vùng đất, con người Đức Thọ văn minh, thân thiện trở thành nền tảng và động lực phát triển. Thiết kế các tuyến điểm du lịch, bồi dưỡng phát triển đội ngũ hướng dẫn viên truyền đạt các thông tin truyền cảm chính xác.

Đổi mới nâng cao toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của người học; Xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng. Tăng cường huy động nguồn lực, xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phấn đấu đến 2025 trên 80% trường đạt chuẩn quốc gia mức 2; Quan tâm sức khỏe của nhân dân, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình. Chú trọng chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ, trẻ em; Thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và được ưu tiên hàng đầu.

4. Các giải pháp để xử lý môi trường trong sinh hoạt tại các khu dân cư, khu công nghiệp: Chỉ đạo xây dựng lộ trình hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại cụm công nghiệp của huyện và các làng nghề trên địa bàn. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”, tỷ lệ rác và chất thải rắn được thu gom, xử lý khu vực đô thị 100%, khu vực nông thôn 90%; tại các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, các hộ gia đình có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; Áp dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học trong xử lý nước thải, rác thải và khí thải. Quan tâm lãnh đạo chỉ đạo, xây dựng cơ chế hỗ trợ về nguồn lực đầu tư phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa phương để xây dựng các mô hình điểm đến tham quan học tập thực chất, hiệu quả. Sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung về lâu dài cho cụm huyện, thị phía Bắc, trong đó có huyện Đức Thọ.

5. Xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng bền vững hiện đại văn minh: Công tác quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ và hiệu quả, điều chỉnh quy hoạch trung tâm hành chính, ranh giới hành chính, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã, thị trấn sau sáp nhập; quy hoạch và xây dựng hệ thống tiêu úng, đường giao thông nội đồng; hoàn thiện quy hoạch hệ thống chợ nông thôn đảm bảo phát huy hiệu quả kinh doanh tại các chợ, phát triển các điểm bán hàng quy mô 1.000 - 1.200m2 . Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy hoạch, đánh giá thực hiện quy hoạch trong quá trình xây dựng và phát triển.

6. Quan tâm công tác chính sách và huy động nguồn lực: Cần ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách các cấp và tập trung huy động nguồn lực nhất là nguồn nội lực từ nhân dân, kêu gọi con em xa quê, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện công tác đỡ đầu, tài trợ xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, những kết quả thành tựu đạt được trong 10 năm qua, niềm tự hào về một miền quê cách mạng giàu truyền thống văn hóa, đã trở thành động lực, là yếu tố cốt lõi. Do vậy trong thời gian tới xây dựng Nông thôn mới nâng cao chính là xây dựng bảo tồn phát huy trên những giá trị truyền thống, con người văn hóa Nông thôn mới trên quê hương Đức Thọ. Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện cần đặt ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ tạo sự đồng thuận cao từ huyện đến cơ sở, khi có cơ chế chính sách hỗ trợ đi kèm, công tác huy động nguồn lực được quan tâm, sức dân được khơi dậy. Tin tưởng rằng trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ và nhân dân huyện Đức Thọ sẽ đoàn kết, quyết tâm vững bước hoàn thành thắng lợi mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.507.565
    Trong năm: 1.284.708
    Trong tháng: 109.529
    Trong tuần: 22.682
    Trong ngày: 1.277
    Online: 34