Dù đã chủ động phòng trừ, thời gian qua do thời tiết ẩm ướt, sương mù nên nhiều diện tích lúa xuân ở huyện Đức Thọ bị nhiễm bệnh đạo ôn.
Trong những ngày vừa qua, do thời tiết âm u, sáng sớm có sương mù, ánh sáng yếu, nhiệt độ trong ngày ở mức trung bình (khoảng 20 - 260C), trong khi cây lúa đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh về thân lá, hàm lượng đạm trong cây cao là điều kiện khiến bệnh đạo ôn lá phát sinh tại các địa phương. Trong đó, bệnh tập trung gây hại trên các giống: Thái xuyên 111, VNR20, P6, Xi23, … Qua điều tra, toàn huyện có 9,8 ha nhiễm bệnh, trong đó có 1,2 ha bị nhiễm nặng; tỷ lệ nhiễm trung bình 53- 7%, nơi cao 10%. Đến nay, toàn huyện đã xử lý phòng trừ được trên 904 ha.
Anh Hoàng Văn Minh, thôn Hoa Đình, xã Bùi La Nhân cho biết: "Vụ xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 7 sào lúa, nay đang bắt đầu vào kỳ đẻ nhánh rộ. Khoảng 1 tuần gần đây, bệnh đạo ôn bắt đầu xuất hiện rồi lan ra khoảng 20% diện tích. Hiện nay, tôi đã mua thuốc phun trừ bệnh, đồng thời cắt bỏ, tiêu hủy bộ lá bị bệnh nặng trước khi phun thuốc để tăng hiệu quả phòng trừ”.
Người dân xã Bùi La Nhân tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn gây hại.
Tại các địa phương, sau khi phát hiện lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn, chính quyền cũng đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đốc thúc bà con nông dân khẩn trương ra đồng triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại. Chị Phạm Thị Như Quỳnh, công chức Nông nghiệp – Môi trường xã Bùi La Nhân cho biết: “Vụ xuân năm nay, toàn xã Bùi La Nhân gieo cấy gần 570 ha lúa, sau khi phát hiện bệnh đạo ôn trên lúa, là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát triển và lây lan nhanh trên diện rộng. Cán bộ chuyên môn chúng tôi thường xuyên trực tiếp xuống đồng hướng dẫn người dân tiến hành phun các loại thuốc đặc trị Beam 75 WP, Kasoto 200SC, Fukasu 42WP,... theo đúng liều lượng và quy trình để đạt hiệu quả phòng trừ cao nhất”.
Bệnh đạo ôn trên lúa là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát triển và lây lan nhanh trên diện rộng.
Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN huyện và các ban, ngành liên quan phân công cán bộ bám sát cơ sở, trực tiếp xuống các địa phương để phối hợp thăm đồng, kiểm tra, hướng dẫn phun trừ kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật. Đối với diện tích gieo cấy dày, tiến hành tỉa thưa đảm bảo mật độ phù hợp, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng kháng bệnh.
Đối với những diện tích đã xuất hiện bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm. Đối với những diện tích nhiễm nặng cần tiến hành ngắt bỏ những lá bị bệnh không còn khả năng phục hồi đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh trước khi xử lý thuốc hóa học. Phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5-7 ngày, kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiến hành xử lý thuốc lần 2.
Thời điểm này lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, nhiều loại sâu và bệnh hại lúa xuất hiện vì vậy bà con cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời chủ động các biện pháp phòng trừ, không để bệnh diễn biến nặng và trở thành mầm bệnh cho đạo ôn cổ bông ở thời kỳ sinh trưởng tiếp theo của lúa.