Đền thờ Nguyễn Biểu - Di tích LS-VH Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 1371/QĐ ngày 03/8/1991 của Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Khuôn viên đền thờ Nghĩa Vương Nguyễn Biểu
Trước kia đền thờ Nguyễn Biểu thuộc làng Bình Hồ, huyện La Sơn, nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Nguyễn Biểu 阮表 (? - 1413) là một viên quan, một vị tướng nhà Hậu Trần, một nhà ngoại giao kiệt xuất quả cảm. Sử sách chép, quê ông ở làng Nội Diễn, xã Bà Hồ (đời Lê đổi thành Bình Hồ), huyện Chi La (sau đổi thành La Sơn), trấn Nghệ An, nay thuộc xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Không rõ ông sinh năm nào, cha mẹ là ai, làm nghề gì; chỉ biết ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) vào cuối thời nhà Trần, làm quan đến chức Điện tiền Đô Ngự sử. Nguyễn Biểu nổi tiếng là người chính trực, dám nói thẳng, can gián những việc sai trái.
Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế chạy vào Hóa Châu, sai ông đi sứ giảng hoà, gặp Trương Phụ xin cầu phong, thực hiện kế hoãn binh, kéo dài thời gian để cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Di xây dựng binh lực. Trương Phụ tiếp sứ thần rất khinh bạc, ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn để thị oai
Không hề tỏ ra sợ hãi, sứ thần nước Nam ngồi xuống sập, thản nhiên rót rượu ra chén, cầm đũa ngà moi đôi mắt trên đầu người chấm vào đĩa dấm muối, cho vào miệng và kiêu hãnh nói: “Chẳng mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc!” Rồi vừa uống rượu, ông vừa ung dung ứng khẩu đọc bài thơ “Bữa tiệc đầu người”:
Ngọc thiện, trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người;
Nem công, chả phượng còn thua béo
Thịt gấu, gan lân hẳn kém tươi.
Ca lối Lộc minh so cũng một
Vật bầy thỏ thủ bội hơn mười.
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời
Trương Phụ sững sờ kinh ngạc - hắn không ngờ lại gặp một người như Nguyễn Biểu! Cảm phục sứ giả nước Nam, và cũng tự cho mình là hảo hán như Hạng Vũ, tỏ vẻ biết trọng thị những người có khí phách, Trương Phụ ra lệnh để cho sứ thần nước Nam ra về.
Nguyễn Biểu đi rồi, một tên hàng thần bán nước người Việt là Phan Liêu vốn trước kia có hiềm khích với Nguyễn Biểu, liền ton hót với chủ tướng giặc rằng: Nguyễn Biểu đã nói“Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ!” (Nuốt được đầu người thì cũng nuốt được (Trương) Phụ!). Tin lời, Trương Phụ tức giận, sai đuổi theo bắt Nguyễn Biểu lại, lệnh phải đối ngay câu ấy không thì chém đầu. Nguyễn Biểu ung dung đọc ngay: “Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần” (Còn lưỡi của ta thì vẫn còn nhà Trần). Phan Liêu bảo Trương Phụ: “Người này là hào kiệt nước Nam, ngài muốn lấy nước Nam mà để người này thì việc thành sao được?!” Trương Phụ mắng Nguyễn Biểu vô lễ, ông liền dõng dạc vạch rõ âm mưu thâm độc của nhà Minh đối với nhân dân ta: “Trong bụng muốn đánh lấy nước người, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa, đã hứa lập con cháu nhà Trần nay lại đặt quận huyện, không những chỉ cướp lấy vàng bạc, châu báu mà còn giết hại dân chúng, thực là một lũ giặc tàn ngược!”.
Trương Phụ nổi giận, sai quân cắt lưỡi Nguyễn Biểu và trói ông vào cột cầu Yên Quốc trên sông Lam, để cho nước thủy triều dâng lên dìm chết. Nguyễn Biểu vẫn an nhiên tự tại, lấy móng tay vạch vào cột cầu tám chữ: “Thất nguyệt, sơ nhất nhật, Nguyễn Biểu tử”[1] (Tháng bảy, ngày mồng một, Nguyễn Biểu chết).
Giết chết Nguyễn Biểu rồi, Trương Phụ vẫn phải kính phục khí tiết ngất trời của ông, bèn cho đưa thi hài ông về Bình Hồ an táng. Vua Trùng Quang vô cùng thương xót kẻ tôi trung, đã làm bài văn dụ tế, và sai nhà sư chùa Yên Quốc soạn bài tụng, làm lễ cầu siêu cho Nguyễn Biểu.
Sau ngày chiến thắng quân Minh, vua Lê Thái Tổ đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên, phong là Nghĩa Liệt Hiển ứng Uy Linh Trợ Thuận Đại vương, tức Nghĩa Sĩ Đại Vương; các đời vua Lê - Nguyễn về sau đều có sắc phong ban tặng cho ông. Vào thời Hồng Đức (1470 - 1497), vua Lê Thánh Tông sai lập miếu Nghĩa Sĩ ở Bình Hồ, ban ruộng tế và cho lấy trong dân sở tại một lễ lang và hai thừa tự trông nom việc thờ cúng, lại giao cho trấn quan mỗi năm một lần về tế. Về sau, tuy không còn lệ “Quốc tế” nhưng nhân dân địa phương vẫn tiếp tục thờ phụng Nghĩa Vương Nguyễn Biểu như vị Thành hoàng. Ngôi đền cũng được bảo vệ và trùng tu thường xuyên. Các làng Phúc Hải, Yên Thái, Yên Cư, Hưng Nhân (thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) gần chỗ Nguyễn Biểu bị hại, đều lập đền thờ ông. Ở làng Hưng Nhân có hai đền, gọi là đền Yên Quốc, nhưng nay không còn.
Đến cuối thế kỉ XVIII, đền thờ Nguyễn Biểu bị hỏa hoạn hư hại. Khi nhà Nguyễn lên ngôi, vua Gia Long (1802 - 1820) lại có sắc phong cho đền, nhân dân địa phương dựng lại đền để thờ phụng. Năm Kỉ Tị đời Tự Đức thứ 22 (1869), đền Nghĩa Vương được trùng tu tôn tạo với qui mô và kiến trúc như hiện nay, gồm ba tòa hạ, trung và thượng điện. Trong ba tòa điện bày các cỗ kiệu, hương án và nhiều đồ tế khí. Ở đây còn có các biển gỗ khắc thơ “Ngự chế”, thơ của Hoàng giáp Hoàng Trừng là chắt ngoại Nguyễn Biểu, nhiều đối liễn của các quan chức và các nhà khoa bảng. Phía ngoài, cổng đền xây hai cột nanh cao lớn. Bên trong có hai tấm bia đá; một tấm do Cử nhân Hoàng Xuân Phong soạn, ghi thân thế, sự nghiệp và bài minh ca tụng Nguyễn Biểu đề ngày 2.5 năm Tự Đức thứ 28 (15.6.1875); một tấm khác do nhân dân hai thôn Nội Diên và Yên Phúc xã Yên Hồ dựng, văn bia do Cử nhân Lê Viết Huy (quê Thanh Hóa) nhuận sắc đề ngày mồng 8.10 năm Tự Đức thứ 30 (12.11.1877), nói về thân thế, sự nghiệp Nguyễn Biểu, ghi rõ thời gian ông được phong tặng thần vị và việc dựng đền thờ qua các đời.
Năm 2011 - 2012, đền thờ Nguyễn Biểu đã được trùng tu với tổng vốn đầu tư hơn 7,6 tỉ đồng, các hạng mục như hồ bán nguyệt, nghi môn, tắc môn, nhà che bia, hạ điện, trung điện, thượng điện, khu mộ… đã được tôn tạo lại khang trang.
Hồ bán nguyệt và cổng vào đền Nguyễn Biểu
Nhà hạ điện - là nơi để tổ chức các nghi lễ cúng bái vào ngày giỗ Nghĩa vương Nguyễn Biểu và các ngày lễ, tết.
Sau hạ điện là trung điện, nơi thờ các binh lính thời nhà Lê.
Nhà Thượng điện - nơi thờ tự Nghĩa Vương Nguyễn Biểu
Cách ngôi đền Nghĩa vương Nguyễn Biểu khoảng 100 mét là ngôi mộ của ông được xây dựng khang trang.
Từ bao đời nay, đền Nghĩa Vương Nguyễn Biểu ở Bình Hồ - Yên Hồ là một biểu tượng linh thiêng đối với nhân dân Đức Thọ và xứ Nghệ. Tên Nguyễn Biểu được đặt cho trường phổ thông cơ sở ở Yên Hồ và nhiều ngôi trường trong cả nước; ở Hà Nội và nhiều thành phố khác có đường phố mang tên Nguyễn Biểu.