Hiện nay, công tác phòng cháy và chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ tài sản của mọi cơ quan, doanh nghiệp, gia đình và xã hội. Thực hiện tốt công tác phòng cháy và chữa cháy là việc làm thường xuyên, liên tục ở khắp các địa phương, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu đông dân cư và hộ gia đình.
Ngày 04/10/1961, Bác Hồ đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC. Đây là một trong những Pháp lệnh được ban hành sớm nhất của Nhà nước ta đã nói lên tầm quan trọng của công tác PCCC. Từ đó đã làm dấy lên các phong trào PCCC mà kết quả đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và của xã hội.
Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Quốc hội khóa X đã thông qua Luật phòng cháy và chữa cháy và có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001, trong đó quy định rất rõ phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Luật PCCC cũng đã quy định lấy ngày 04/10 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” đây là dịp để các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức nhiều hoạt động phòng cháy và chữa cháy sôi nổi, thiết thực tạo sự chuyển biến tích cực nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy góp phần tích cực, chủ động phòng ngừa kiềm chế sự cố cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương và tích cực hưởng ứng kỷ niệm 23 năm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy - 04/10/2001 – 04/10/2024”, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an tỉnh đề nghị các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình thực hiện các biện pháp an toàn về phòng cháy và chữa cháy như sau:
1. Đối với các cơ quan, các đơn vị, cơ sở, cần tổ chức tốt các hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở, khu dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức, kỹ năng PCCC; ban hành và phổ biến nội quy, quy định về PCCC đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động thuộc phạm vi quản lý; thành lập, kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ PCCC; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định; thường xuyên tự tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục bảo đảm an toàn PCCC; bố trí giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; điều kiện thoát nạn an toàn khi có cháy; trang bị đầy đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy, phương tiện PCCC và CNCH khác bảo đảm về số lượng, chất lượng theo quy định đáp ứng yêu cầu “bốn tại chỗ” sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu về thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
2. Đối với các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chủ động học tập, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn PCCC; thực hiện và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất dễ cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, khi đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã, sửa chữa hàn cắt kim loại phải có người trông coi; không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ; sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy gọn gàng, cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện, ổ cắm điện ít nhất 0,5m; không cản trở lối thoát nạn.
Hệ thống thiết bị điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ở cắm; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà; không sạc điện thoại, máy tính, xe máy điện qua đêm đề phòng chập điện gây cháy, nổ.
Mỗi gia đình đầu tư trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy xách tay, nước, chăn chiên … dập tắt ngay từ khi đám cháy mới phát sinh; đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh liền kề nhau tích cực tham gia và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại khu dân cư. Chủ động phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra; mỗi nhà ở hộ gia đình cần có ít nhất 02 lối thoát nạn, đối với nhà loại ống, nhà liền kế từ 2 tầng trở lên phải có lối thoát khẩn cấp thứ 2, thứ 3 (như bố trí lắp đặt cầu thang sắt ngoài trời hoặc thang dây tại ban công, sân thượng; bố trí lối ra ban công, lên mái sang nhà bên cạnh để thoát nạn); khi lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt ngoài nhà, không được cản trở hoạt động lối thoát nạn; chuẩn bị mặt nạn phòng độc, đèn pin, chăn, khăn vải nhúng nước để che chắn mặt, cơ thể khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm.
3. Khi phát hiện có cháy xảy ra tại nơi ở hay nơi làm việc hãy thật bình tĩnh báo động hô hoán báo cháy; ngắt nguồn điện; sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ (như bình chữa cháy sách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên, thùng, xô, chậu múc nước…) để dập tắt đám cháy, ngăn chặn chống cháy lan; gọi điện thoại báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (số điện thoại 114) hoặc app “Báo cháy 114”, báo cho Công an hoặc chính quyền nơi gần nhất để được hỗ trợ và huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản theo phương án của cơ sở.