Sáng 29/11 UBND huyện Đức Thọ phối hợp với Sở công thương tổ chức tập huấn xây dựng thương hiệu sản phẩm Công nghiệp nông thôn, gắn với phổ biến Chính sách về phát triển Công nghiệp.
Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Đức phát biểu nêu tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm và yêu cầu lớp tập huấn nghiêm túc tiếp thu các kiến thức được truyền đạt.
Thông qua tập huấn, giúp các tổ chức, cá nhận nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu; trang bị cho học viên những kỹ năng xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cần thiết, góp phần mở ra hướng đi mới, nhằm phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của quê hương, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường bằng sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn. Các chính sách khuyến công trong phát triển sản phẩm Công nghiệp nông thôn cũng giúp cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh mạnh dạn xây dựng thương hiệu, thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập.
Trong thời gian 1 buổi, 150 đại biểu là lãnh đạo các xã có sản phẩm OCOP, các tổ chức, cá nhân hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, được Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thịnh - Trường Đại học thương mại Hà Nội phổ biến kỹ năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Công nghiệp nông thôn như: sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm, trong đó chất lượng là yếu tố hàng đầu để khách hàng lựa chọn. Xác định quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ. Cách lựa chọn mô hình thương hiệu, nhãn hiệu phù hợp, bảo vệ thương hiệu, chiến lược truyền thông thương hiệu...
Cũng tại hội nghị tập huấn, các hộ sản xuất, kinh doanh còn được phổ biến các văn bản của Chính phủ, của tỉnh, và ngành Công thương về Khuyến công Quốc gia, Khuyến công địa phương.
Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thịnh - Trường Đại học thương mại Hà Nội trực tiếp truyền đạt các nội dung liên quan đến xây dựng thương hiệu sản phẩm Công nghiệp nông thôn.
Cũng tại lớp tập huấn, nhiều vấn đề thực tiễn và những vướng mắc, khó khăn, trong xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương đã được giải đáp, nhằm tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, các sản phẩm truyền thống nổi tiếng của từng vùng, miền để phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, thu hút khách hàng tìm đến./.