Đền Thái Yên là một biểu tượng cao nhất mang tính văn hóa cộng đồng làng xã, và là một bảo tàng cổ vật về điêu khắc gỗ lâu đời và quý giá của bao lớp người thợ làng mộc cổ truyền Thái Yên vốn nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Đền được công nhận là Di tích Quốc gia theo Quyết định số 921/QĐ-BT ngày 20/7/1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đền Thái Yên thuộc xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thờ Thành hoàng là thần Tam Lang linh ứng (Thần rắn) và Chính đồng Ngọc Nữ (Mẫu)

Đền được xây dựng từ thế kỷ XVIII (khoảng trước năm 1741). Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ kính rất đẹp và khá đồ sộ, tọa lạc trên mảnh đất diện tích chừng 5.000m2 ở đầu làng, có cấu trúc theo lối tam tòa: thượng điện, trung điện, hạ điện.

Trước đền là hồ bán nguyệt nước trong xanh - được coi là chỗ mắt rồng, nằm trong thế đất long mạch của làng. Đi qua khoảng sân rộng của cổng tam quan, cổng chính giữa xây nhà nghi môn với cấu trúc 2 vì, 6 cột, mái được đắp 4 con rồng uốn lượn, đầu ngẩng cao lên đỉnh nóc. Trên nóc nhà nghi môn đắp nổi một mặt rồng ranh vuốt bờm râu và sừng dữ tợn.

Trên các đường kẻ, xà… nhà nghi môn đều chạm trổ các đề tài hoa lá, vân mây, chim đậu cành cây…

Hạ điện làm bằng gỗ lim với 4 vì kèo 14 cột, nền lát gạch nung đỏ, phía trước có các bức đại tự bằng chữ Hán chạm nổi ghép mảnh sứ trên gỗ được ráp liền với xà nhà: “Vạn Cổ Anh Linh” (gian giữa), “Chiêm Như Tại” (gian bên phải), “Lại Nguyên Ân” (gian bên trái). Chính gian giữa đặt hương án lớn bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ công phu, trước hương án là giá dựng long đao và biển đề hai chữ Hán “Chính Khí”, hai con hạc lớn đứng trên thân rùa ở hai bên; hai gian hai bên treo hai quả chuông bằng đồng, trên chuông đúc nổi 3 chữ “Thái Yên từ” (Đền Thái Yên - gian bên trái) và 4 chữ “Vĩnh Phúc tự chung” (Chuông chùa Vĩnh Phúc - gian bên phải).

Trung điện liền kề và song song với hạ điện, gồm ba gian hai hồi; trong đặt nhiều đồ tế khí như hương án, lư hương, chân nến, bình hoa bằng gỗ, đặc biệt có ba chiếc kiệu sơn son thếp vàng đồ sộ, chạm khắc công phu cùng dàn biểu tượng, đại đao, biển tên cùng các linh chủ, long ngai, bài vị thần được dân làng tiến cúng.

Thượng điện cách trung điện một sân nhỏ tạo sự tĩnh lặng tôn nghiêm; ngoài hành lang có hai pho tượng tròn bằng gỗ mít quì gối tay khoanh tròn trước ngực đỡ bình hương, mang phong cách dân gian (bụng phệ, mặc quần ta dài, tóc cắt ngắn, tai to, mặt rộng, lưỡng quyền cao, mũi to, mắt xếch). Cửa chính giữa bốn cánh vẽ màu hình long, li, qui, phượng; hai cửa nách một cánh vẽ con hạc đứng trên lưng rùa bơi giữa đầm sen. Phía trong chính điện phía trên đặt long ngai và bài vị của các vị Thành hoàng, thần của làng; phía dưới là bệ thờ đặt hai hàng bài vị chạm trổ, sơn son thếp vàng do nhiều thế hệ dân làng tiến cúng…

Nghệ thuật kiến trúc của đền Thái Yên mang rõ đặc trưng kiến trúc đình, đền truyền thống từ bố cục không gian đến bài trí nội thất. Nét độc đáo và giá trị nhất ở đây là nghệ thuật điêu khắc bằng kĩ thuật chạm lộng và chạm bẹt. Từ các họa tiết trên phù điêu, long kiệu, hương án, lư hương, bài vị, long ngai, từ các bức tượng ông phỗng cùng các đồ tế khí như long đao, chân đèn, kiếm, đại đao… đến các mảng chạm trổ trên xà cổn, đầu kẻ, hòn kê, ván thưng… đều được chạm kín nhưng không rối mắt; đường nét khỏe mà không thô, phóng khoáng mà không dễ dãi, bay bướm mà không cầu kì; những khoảng trống “hữu thức”, những chỗ “nghỉ mắt” thanh thoát thể hiện tư duy thẩm mĩ cao của các nghệ nhân thực hiện. Các chi tiết chạm trổ mang phong cách dân gian rõ nét với những đề tài dân gian hoặc điển tích xưa quen thuộc, như “hổ giắt răng”, “rồng đau mắt”, “ông Biển Thước”, “Thuấn canh lịch sơn”, “Hứa Do tẩy nhĩ”, “Nhị thập tứ hiếu”, v.v… và các hình tượng hoa lá như cúc, mua, sen, đào, lê, lựu và các con vật như long, li, qui, phượng, ngựa, hươu, hạc...

Hằng năm, vào mùa xuân, đền Thái Yên mở hội lớn, người dân trong xã tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao đến tận rằm tháng giêng như kéo co, đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, thi văn nghệ… Hai năm một lần, Thái Yên lại tổ chức rước kiệu vào ngày mồng 7 tháng giêng Âm lịch.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.473.954
    Trong năm: 1.306.934
    Trong tháng: 100.950
    Trong tuần: 28.198
    Trong ngày: 4.851
    Online: 93