Bùi La Nhân là một trong 3 địa phương được huyện chọn triển khai thực hiện chuyển đổi tích tụ ruộng đất năm 2023. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đến nay công tác chuyển đổi đã hoàn thành, tạo được sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân. Từ những thuận lợi ban đầu, hiện nay, bà con nông dân đang phấn khởi tập trung sản xuất vụ Xuân 2024 với kỳ vọng một vụ mùa đạt năng suất cao.
Vụ Xuân năm nay, toàn xã Bùi La Nhân đã thực hiện chuyển đổi được 360ha (trong đó diện tích giao cho các hộ dân 250,35ha; diện tích đấu thầu mô hình trang trại 87,3ha; diện tích dự phòng 22,35ha). Tổng số thửa 1448 thửa, tổng số hộ 1317 hộ trong đó hộ 1 thửa 1186/1317 hộ đạt 90%; hộ 2 thửa 131/1317 hộ chiếm 10%. Bình quân 1,1 thửa/hộ, bình quân diện tích/thửa 1729 m2/thửa. Thửa lớn nhất có diện tích 5600 m2.
Phúc Lộc là một trong những thôn triển khai chuyển đổi ruộng đất một cách bài bản, với tổng diện tích đưa vào thực hiện chuyển đổi 35,31ha; Diện tích giao cho hộ 30,87 ha ,gồm 139 hộ trong đó hộ 1 thửa 139 hộ, đất dự phòng 4,44ha. Bình quân 1 thửa/hộ; bình quân diện tích 2220 m2/thửa. Tỷ lệ hộ 1 thửa sau chuyển đổi đạt 100%.
Phúc Lộc là thôn có bình quân 1 thửa/hộ sau chuyển đổi đạt 100%. (139hộ/139 hộ).
Gia đình ông Lê Bá Tịnh, thôn Phúc Lộc là hộ tích tụ đất nhiều ở xã Bùi La Nhân. Đang tập trung cho việc bừa kỹ, bón phân chuẩn bị gieo vụ xuân. Ông Tịnh chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi làm 6 sào chia làm 4 vùng, thì nay đã tập trung lại thành 1 vùng, làm theo quy mô lớn với cùng một loại giống, chủ yếu là giống Bắc Thịnh, Nếp 98,.... Mới là bước đầu nhưng chúng tôi thấy thuận tiện rõ rệt, giảm được rất nhiều chi phí, đặc biệt là việc áp dụng “4 cùng” cùng thời vụ, cùng loại giống, cùng quy trình sản xuất, chăm bón, cùng thời điểm thu hoạch, sẽ giảm từ 20-30% chi phí, bà con nông dân rất phấn khởi, hy vọng sẽ có một vụ xuân năng suất cao nhất”.
Sau chuyển đổi, bà con nông dân rất phấn khởi, thuận tiện cho việc chăm sóc, cơ giới hóa,...chi phí giảm từ 20-30%.
Đặc biệt, sau chuyển đổi, xã Bùi La Nhân cũng đã hình thành các vùng sản xuất liên kết, từng bước vận động thành lập mới các tổ hợp tác sản xuất theo hướng liên kết để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao nhằm hướng tới nền nông nghiệp sạch an toàn.
Ông Phạm Hải Thăng, Bí thư Chi bộ Phúc Lộc, xã Bùi La Nhân cho hay: “ Trước đây khi chưa chuyển đổi, một số vùng sản xuất chỗ cao, trũng, không hiệu quả, điều tiết nước gặp khó khăn. Sau chuyển đổi, bản thân tôi cũng đã mạnh dạn thuê lại 4 ha tại vùng Hà, thôn Phúc Lộc để xây dựng mô hình sản xuất gạo ruộng rươi cáy theo hướng hữu cơ, an toàn.Hiện nay, tôi đã đầu tư trên 500 triệu đồng mua sắm các vật tư, phương tiện như máy cày, máy cấy, khay, đất bắc mạ,... để triển khai vụ xuân, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân trên cùng một đơn vị sản xuất.”
Mô hình sản xuất gạo ruộng rươi cáy theo hướng hữu cơ, an toàn 4ha tại vùng Hà (Bùi La Nhân) được hình thành sau chuyển đổi ruộng đất.
Để phục vụ chuyển đổi ruộng đất, đảm bảo sản xuất, xã Bùi La Nhân cũng đã tập trung xây dựng, làm mới 260m kênh mương nội đồng, sửa chữa 150m mương cứng, nạo vét 40 tuyến kênh mương với chiều dài 30,5 km. Đắp mới 17 tuyến GTNĐ, lắp đặt 100 cống các loại, cải tạo 3500 m3 bờ vùng, bờ thuở.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi tích tụ ruộng đất, ông Bùi Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho hay: “Bên cạnh các Nghị quyết của tỉnh, huyện về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung tích tụ ruộng đất, thì BCH Đảng bộ xã ban hành 1 nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi tích tụ ruộng đất xã, tổ giúp việc và 4 tổ chỉ đạo, tiểu ban thực hiện chuyển đổi của 9 thôn. Các thành viên trong tổ phải là những người tâm huyết, sản xuất giỏi, có uy tín, nắm chắc các nội dung, mục tiêu của chuyển đổi thì mới có thể tuyên truyền và đạt hiệu quả cao”.
“Bên cạnh thuận lợi, quá trình triển khai xã Bùi La Nhân gặp không ít khó khăn như: trên địa bàn, ruộng có nơi cao quá, nơi ngập úng dẫn đến khó khăn trong công tác chuyển đổi, tích tụ ruộng đất trên địa bàn. Một số bộ phận người dân chưa quan tâm về công tác chuyển đổi, tư tưởng còn ngại thay đổi, như ở thôn Thượng Tứ mặc dù các tổ chức đoàn thể, ban chỉ đạo, thôn xóm trực tiếp tận các hộ gia đình tuy nhiên người dân vẫn ngại thay đổi, không thống nhất chuyển đổi. Ngân sách địa phương hạn hẹp do đó việc bố trí ngân sách hỗ trợ chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn,việc cải tạo đồng ruộng, làm GTNĐ, kênh mương còn chậm”. Ông Bùi Trung Tín , Phó Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân cho biết thêm.
Với những hiệu quả thực tiễn bước đầu, thời gian tới, xã Bùi La Nhân sẽ phối hợp các phòng, ngành hoàn thiện hồ sơ cấp giấy CNQSD đất cho các hộ. Chỉ đạo thôn, hợp tác xã vận động nhân dân tích cực làm giao thông nội đồng, triển khai sản xuất vụ xuân đảm bảo theo đúng kế hoạch thời vụ.