Với niềm đam mê sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sau nhiều năm tìm tòi, học hỏi, ông Nguyễn Tường, thôn Hồng Hoa, xã Đức Đồng đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm bào ngư (còn gọi là nấm sò), mở ra hướng kinh tế mới cho gia đình, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Đây là mô hình trồng nấm lớn nhất huyện Đức Thọ hiện nay và cũng là sản phẩm đầu tiên trên địa bàn xã Đức Đồng đạt OCOP 3 sao.
Sau gần 8 năm trồng nấm, gia đình ông Nguyễn Tường đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng để trồng thử nghiệm nấm bào ngư. Vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm; đến nay mô hình của gia đình ông Tường đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình ông Nguyễn Tường, thôn Hồng Hoa, xã Đức Đồng.
Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà trồng nấm của gia đình, chỉ tay về những bịch phôi được xếp ngay ngắn trên kệ, ông Tường tâm sự: “Trồng nấm bào ngư có thuận lợi là dễ làm, không cần trình độ, chỉ cần chịu khó và biết tiếp thu; đầu vào nguyên liệu lại sẵn có, đó là rơm rạ, mùn cưa. Mặt khác có thể tận dụng được lao động chuyên môn thấp, thậm chí là người cao tuổi. Đầu ra sản phẩm đang rất thuận lợi. Tuy nhiên, trồng nấm bào ngư, bên cạnh kỹ thuật thì còn phải giữ uy tín, đảm bảo chất lượng thì khách hàng mới an tâm và quay trở lại những lần tiếp theo”.
Nấm bào ngư Hà Tường được sản xuất từ những nguyên liệu địa phương như: rơm, cám ngô, cám gạo... với tỷ lệ phối trộn thích hợp, cơ sở tuân thủ thời gian thu hái theo quy trình kỹ thuật nên chất lượng nấm hiện tại được đánh giá là đẹp, dai mà giòn ngọt. Giá mỗi kg nấm dao động từ 40 - 50 nghìn đồng”.
Ông Tường phấn khởi cho biết: “Nhờ mô hình nấm mà gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, có nguồn thu gối đầu để tái đầu tư mở rộng nhà trồng. Hiện nay, mỗi năm gia đình sản xuất khoảng 30 ngàn bịch nấm, cho thu nhập khoảng 12 tấn nấm bào ngư, trừ chi phí mỗi năm gia đình có lãi khoảng 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5-6 lao động trên địa bàn”.
Hiện cơ sở sản xuất nấm của ông Tường có diện tích hơn 300m2, với hơn 13.000 bịch nấm. Nhờ đảm bảo quy trình sản xuất nên mô hình nấm bào ngư trong nhà kín phát triển tốt. Trong ảnh: Lãnh đạo huyện Đức Thọ tham quan mô hình trồng nấm bào ngư Hà Tường.
Nấm bào ngư là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, rất tốt với sức khỏe con người; được sản xuất vô cùng sạch. Hiện nay, người dân ngày càng ưa chuộng thực phẩm này. Cũng theo ông Tường: “Trồng nấm cũng không phải không có rủi ro, nấm khi bị sâu bệnh là vứt bỏ hoàn toàn vì không thể dùng bất kỳ loại thuốc nào. Việc đúc rút kinh nghiệm và theo dõi sát sao là điều rất quan trọng”.
Đặc biệt, ông Tường đang thử nghiệm trồng nấm linh chi, đây là loại nấm cho thu nhập cao nhưng tương đối khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao....
Đánh giá về mô hình này ông Trần Tình, Chủ tịch UBND xã Đức Đồng cho biết: “ Xác định đây là mô hình sản xuất thực phẩm sạch, phù hợp với điều kiện địa phương, tận dụng tốt nguồn lao động, cũng như nguyên liệu sẵn có mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, hỗ trợ, kết nối với các ngành chuyên môn giúp cơ sở yên tâm sản xuất và xây dựng sản phẩm đạt Ocop 3 sao. Chúng tôi cũng hy vọng từ mô hình này nhiều gia đình trên địa bàn xã có thể học hỏi và mạnh dạn tham gia trồng nấm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình ”.
Nấm bào ngư Hà Tường không chỉ được khách hàng trên địa bàn xã, huyện đón nhận mà còn được các khách hàng ở các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đặt hàng. Không dừng lại với mô hình hiện tại, hiện cơ sở đang tiếp tục mở rộng quy mô, hoàn thiện sản phẩm từ nâng cao chất lượng đến xây dựng hình ảnh, bao bì, nhãn mác...để mở rộng thị trường, với khát vọng đưa các sản phẩm nấm Hà Tường trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội.