Di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 03/2006/QĐ-BVHTT ngày 17/01/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Còn có tên là đền Linh Cảm Đại Vương, trước thuộc xã Việt Yên Hạ, tổng Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thờ khai quốc công thần nhà Hậu Lê, Linh Cảm Đại Vương Đinh Lễ.

Đinh Lễ (? - 1427) người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu ruột. Từ 1418 đến 1427, Đinh Lễ tham gia nhiều trận đánh quan trọng của Nghĩa quân Lam Sơn, lập nhiều chiến công, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng chống giặc Minh xâm lược. Năm 1424, trong trận Khả Lưu, Đinh Lễ cùng Lê Sát xông lên phía trước kéo các tướng sĩ cùng tiến theo, đánh bại quân Minh, chém chết Hoàng Thành, đuổi Trần Trí, Sơn Thọ, bắt sống Chu Kiệt cùng nhiều tù binh. Thắng trận, Đinh Lễ được Lê Lợi phong chức Tư không. Tháng 4.1425, quân Minh theo sông Ngàn Phố đánh lên căn cứ Đỗ Gia của nghĩa quân Lam Sơn nhưng bị phản kích phải tháo chạy qua núi Tùng Lĩnh để vào sông La về thành Nghệ An; quân của Đinh Lễ chặn đánh tại đây, tiêu diệt hơn 1.000 tên. Cùng năm này, được sai đi tuần ở Diễn Châu, Đinh Lễ đặt phục binh, đón đánh tướng Minh là Trương Hùng vận chuyển 300 thuyền lương từ Đông Quan (Hà Nội) tới, cướp sạch lương thảo và thừa thế đuổi giặc đến tận thành Tây Đô. Tháng 8.1426, Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí, Phạm Văn Xảo đem quân tiếp ứng cho các cánh quân của Lê Lợi từ Nghệ An tiến ra Bắc, đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động, dụ Vương Thông vào ổ mai phục, đánh quân Minh đại bại, giết chết Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lí Lượng và năm vạn quân, bắt sống một vạn, thu rất nhiều quân tư, khí giới. Tháng 3.1427, Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí được lệnh mang 500 quân Thiết đột tiếp viện cho tướng Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt, đánh đuổi quân Minh đến Mi Động. Do thấy hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt sống. Đinh Lễ không chịu khuất phục nên bị giết chết.

Năm 1428, sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ truy tặng Đinh Lễ chức Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ, ban tước Đình Thượng hầu, phong hiệu Linh Cảm Đại Vương. Năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong ông làm Thái sư Bân Quốc công, về sau tấn phong Hiển Khánh Vương. Nhớ ơn công lao ông ở vùng đất này, nhân dân lập đền thờ Đinh Lễ ở chỗ trước đây ông đóng đồn trên núi Tùng Lĩnh, bên bờ Tam Soa.

Trước đây đền thờ Đinh Lễ nằm cách vị trí hiện nay khoảng 400m, sau nơi này bị người Pháp lấy làm đồn binh, đền được chuyển đến chỗ mới. Hiện đền nằm trên một ngọn đồi thấp, tương đối bằng phẳng. Hai phía Tây Bắc và Tây Nam giáp khu dân cư, phía Đông Nam giáp đường chiến lược 28. Di tích hiện còn thượng điện, vọng lâu, tắc môn và khu sân đền được bao quanh bởi hệ thống tường dắc và cổng vào.

Tường dắc xây bằng gạch vôi vữa, ở giữa có lỗ xuyên hoa hình hoa chanh, bốn góc xây trụ biểu, phía trên đặt búp sen. Tắc môn như một bức bình phong án ngữ lối ra vào, mặt ngoài tạo bức phù điêu hổ màu vàng, đứng uy nghi đầu và đuôi vươn cao.

Qua tắc môn đến vọng lâu, xây năm 1937 kiểu chồng diêm hai tầng, tám mái, trổ cửa bốn mặt. Tầng một đổ bê tông, đắp giả ngói ống. Bốn góc mái đắp đầu đao, hai đầu bờ nóc đắp con kìm. Tầng hai mặt trước trổ cửa hình vuông, ba mặt còn lại xây tường bịt kín, 4 góc mái và 2 đầu bờ nóc gắn cái đầu đao cuốn cong. Niên đại trùng tu vọng lâu ghi “Bảo Đại Đinh Sửu (1937). Bốn trụ vòm vọng lâu, trụ hiên Thượng điện và trụ cổng khắc các câu đối ca ngợi công đức của Thành hoàng Đinh Lễ đối với nhân dân cả nước cũng như nhân dân trong vùng, trong đó tiêu biểu có các câu:

Nhất đẳng anh linh chung Thúy Cối

Thiên thu trung liệt lạc Hoàng Mai.

(Khí anh linh bậc nhất được chung đúc ở quê Thúy Cối/ Lòng trung liệt nghìn thu khắc trong trận đánh Hoàng Mai).

Hách trạc thanh linh sơn thủy cựu,

 Tất phần tự điển tuế thời tân.

(Thanh linh hiển hách nơi sông núi cũ/ Khói hương thờ phụng mãi mãi vẫn còn).

 

Thượng điện là ngôi nhà tứ trụ ba gian, hai hồi, bốn vì gỗ mít kiểu tứ trụ chồng đấu (hay còn gọi là nhà Rường). Các cột quân và cột cái hình “đầu cán cân, chân quân cờ”, bố trí thẳng hàng kiểu bàn cờ theo trục tung và trục hoành ngay ngắn. Hầu hết trên các cấu kiện gỗ bẩy hiên, xà thượng, câu đầu, cột… đều đục chạm các đề tài truyền thống hình mây lửa cách điệu. Mặt trước chạm trổ đề tài tứ linh, hổ phù, hoa lá; riêng hai cột cái gian giữa chạm lộng cầu kì chạy dọc theo cột với đề tài “cá chép hóa rồng” và trên xà dọc chạm hình rồng mây chầu mặt hổ phù. Ở trên cùng khắc bốn chữ Hán “Thánh Cung Vạn Tuế”.

Hành lang gian giữa đặt hương án gỗ kiểu chân quỳ chạm trổ hoa dây hai bên, rồng chầu mặt nguyệt mặt trước. Cửa cấu tạo kiểu “thượng song hạ bản” gồm nhiều cánh cửa ghép lại bằng chốt gỗ phía trên. Ba phía còn lại xây tường gạch bao quanh.

Gian chính giữa thờ Thành hoàng Đinh Lễ với linh toạ, bài vị khắc vương hiệu Linh Cảm Đại vương và kiếm gỗ đặt trong khảm gỗ sơn son thiếp vàng và hệ thống hương án, đồ tế khí bằng gỗ được sơn son thếp vàng. Bàn thờ gian trái đặt thờ linh toạ các đền miếu trong vùng hợp tự về đây sau ngày hoà bình lập lại. Riêng gian phải trước đây đặt bàn thờ 14 pho tượng Phật cổ bằng gỗ mít, trong đó gồm có 3 tượng Tam thế Phật, 7 tượng Quan âm Phật, 2 tượng quan hầu và 2 Tăng Phật, được chuyển từ chùa Thạch Động (còn gọi chùa Đá) về do chùa bị bom Mỹ đánh sập năm 1968. Sau khi chùa Đá được phục dựng thì 14 pho tượng Phật đã được rước về  đặt trang nghiêm tại chùa.

Đền được xây dựng từ thời Lê, cách đây ngót 600 năm, trải qua thời gian và biến động xã hội, ngôi đền được trùng tu, sữa chữa nhiều lần nhưng cơ bản vẫn giữ được cốt cách nguyên bản, đặc biệt là hệ thống khung gỗ gắn với cấu kiện cùng các mảng chạm trổ, điêu khắc cũng như đồ thờ tự. Hiện nay, để xứng tầm với những công lao đóng góp to lớn của Thành hoàng Đinh Lễ cũng như để phát huy giá trị của di tích, Đảng bộ và nhân dân xã Tùng Ảnh cùng các cấp, các ngành liên quan đang xây dựng quy hoạch và dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Đền Đinh Lễ nằm trong quần thể nhiều di tích - danh thắng nổi tiếng của vùng “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống lịch sử văn hóa gắn với các bậc danh nhân thời trung đại như Lê Bôi, Bùi Dương Lịch, Hoàng hậu Bạch Ngọc…đến thời hiện đại như Phan Đình Phùng, Trần Phú….Đây là vùng đất hứa hẹn một tiềm năng to lớn phát triển văn hóa và du lịch của huyện Đức Thọ nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.280.151
    Trong năm: 1.339.248
    Trong tháng: 180.730
    Trong tuần: 48.467
    Trong ngày: 246
    Online: 58