Đền Cả tổng Du Đồng là Di tích cấp Quốc gia đầu tiên được công nhận của huyện Đức Thọ theo Quyết định số 1548/QĐ ngày 30/8/1991 của Bộ Văn hóa,Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

 

Đền trước thuộc thôn Vĩnh, tổng Du Đồng, phủ Đức Thọ, nay là thôn Vĩnh Thành, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Đền còn có tên là đền Hàng Tổng, thờ Hương cống Bùi Thúc Ngật, người có công tổ chức khai phá, chiêu dân lập nên xóm làng của tổng Du Đồng, phát triển nghề làm ruộng và nuôi tằm, mở trường dạy học cho dân chúng cả vùng phía Tây huyện Đức Thọ ngày nay.

Bùi Thúc Ngật (khoảng giữa thế kỉ XV): Không thấy tài liệu ghi rõ quê quán; có người nói ông quê Đức Thọ nhưng là hậu duệ của Công thần triều Lê Bùi Bị, từ Thọ Xuân, Thanh Hóa vào. Ông đậu Hương cống, được vua Lê giao chức Chánh Đội trưởng, Phó Thiên hộ quan kiêm Tổng Giáo quan phụ trách việc khai phá vùng thượng Đức (chủ yếu là vùng Tổng Du Đồng). Ông đã đem hết trí tuệ và sức lực cùng nhân dân biến những khu đất hoang thành ruộng vườn phì nhiêu, tiêu diệt thú dữ, nuôi tằm dệt vải, mở trường dạy học cho con em trong vùng, lập nên xóm làng của cả tổng Du Đồng, ngày nay là xã Đức Đồng. Sau khi ông mất, để tỏ lòng thương tiếc ông, nhân dân toàn tổng đã chọn một mảnh đất đẹp ở thôn Vĩnh Thành xây nên ngôi Đền Cả (còn gọi là đền Hàng Tổng) để thờ ông.

Đến đời Cảnh Hưng (1740 - 1786), đền được vua Lê Hiển Tông phong sắc “Lương Uy Phụ quốc Trí dũng Hùng lược Hiền lương Dực bảo Trung hưng Thượng đẳng thần”. Các đời vua nhà Nguyễn về sau cũng đều có sắc phong cho đền Cả Du Đồng. Các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy và tháng mười Âm lịch hàng năm đều có tổ chức tế lễ tại đền, nhưng rằm tháng bảy là lễ tổng tế lớn nhất, trở thành ngày hội truyền thống kéo dài suốt ba ngày của nhân dân trong vùng, có nghi lễ tế thần tại đền, rước kiệu thần, thi đánh cờ, kéo co v.v…

Đền Cả Du Đồng là di tích lịch sử gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân địa phương. Trong phong trào Cần Vương, đây là địa điểm tuyển mộ quân sĩ và nơi tiếp nhận lương thực của nghĩa quân Phan Đình Phùng vào những năm 1887 - 1888. Năm 1903 - 1904, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo con trai là Nguyễn Sinh Cung đã từng đến đây dạy học, viếng cảnh. Năm 1930, đây là nơi thành lập Tổng uỷ Du Đồng của đảng Cộng sản Đông Dương, là nơi treo cờ đỏ sao vàng trong cao trào Tổng khởi nghĩa vào ngày 21.8.1945.

Đền Cả Du Đồng còn là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị, tuy quy mô không lớn lắm nhưng tinh xảo, đẹp và uy nghiêm với những mảng chạm khắc tinh xảo tuyệt vời, độc đáo và uyển chuyển. Kiến trúc đền bố cục kiểu chữ tam (三), ngoảnh theo hướng Tây Nam, gồm có cột nanh, tam quan, hạ điện, trung điện và thượng điện.

Từ ngoài vào, di tích gồm có cột nanh, cột quyết, qua cổng chính là vào nhà tam quan. Công trình này là bình phong ngăn cách cổng, sân đền với khu vực thờ tự, gồm một gian hai vì, làm bằng gỗ lim và mít, trên nóc có hình lưỡng long chầu nguyệt; toàn bộ các đường xà, kẻ khâu đấm, rường và cửa vọng đều được chạm lộng các hình dân gian như cảnh trí sinh hoạt, tứ quí, cá chép vượt Vũ Môn, rùa đội cuốn thư, tre trúc… tỉ mỉ và tinh xảo. Đây là một công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc nổi tiếng tại Hà Tĩnh. Vì thế nhân dân trong vùng có câu ca: “Gác chuông Kẻ Thượng,  Hương án Xa lang,  Tam quan Tự Đồng”

Hình ảnh điêu khắc độc đáo tại nhà Tam quan

Qua khoảng sân là nhà hạ điện, trung điện và thượng điện, đều gồm ba gian bằng gỗ lim, mít, đóng rui bản, trên lợp ngói mũi hài. Các đầu kẻ, xà và khấu đầu chạm trổ họa tiết trang trí như phượng, hoa lá cách điệu, nhưng không tập trung và rực rỡ như ở tam quan mà mang tính điểm xuyết, đường nét sắc sảo, mềm mại. Riêng thượng điện có kết cấu hệ thống con dư  mà nhà tam quan, hạ điện và trung điện không có, và đây cũng là nét độc đáo không nơi nào có. Trong thượng điện bố trí ba bàn thờ, gian giữa đặt bài vị và các đồ tế khí thờ ngài hương cống Bùi Thúc Ngật, hai bên là bàn thờ thổ địa cùng các chư vị bách thần đã có công phù hộ làng, tổng.

Di tích đền Cả Tổng Du Đồng là một sự thống nhất và hoàn thiện về bố cục, về kết cấu và về kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là các mảng chạm trổ tuyệt vời cùng với các đồ thờ tự trong nội thất và cảnh quan ngoại thất đã góp phần làm cho ngôi đền không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đây là một di sản văn hóa vô giá và là một đóng góp cho kho tàng văn hóa tỉnh nhà và dân tộc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.474.072
    Trong năm: 1.306.934
    Trong tháng: 100.950
    Trong tuần: 28.198
    Trong ngày: 4.969
    Online: 160