Chùa Am - Diên Quang Tự là di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 188/QĐ-BT ngày 13/02/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Toàn cảnh Chùa

Chùa có tên chữ là Diên Quang Tự, được xây dựng trên núi Am, trước thuộc xã Phụng Công, tổng Đồng Công, phủ Đức Thọ, nay là xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi ghi dấu hoặc liên quan tới nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử quan trọng của đời Hậu Trần, Lê Sơ, đặc biệt là quá trình khai phá, phát triển nên một vùng cư dân rộng lớn gồm mấy huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Can Lộc ngày nay, và gắn với đó là cuộc kháng chiến chống quân Minh, giải phóng đất nước của nghĩa quân Lê Lợi trên đất Nghệ Tĩnh. Chùa do bà Hoàng hậu Bạch Ngọc khởi dựng từ nửa đầu thế kỉ XV làm nơi tu hành cùng con gái là Công chúa Huy Chân và cháu ngoại là Công chúa Trang Từ.

Theo sử cũ, Hoàng hậu Bạch Ngọc có tên thật là Trần Thị Ngọc Hào (thế kỉ XIV), là Hoàng phi của vua Trần Duệ Tông, người có công khai phá một vùng rộng lớn ở Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc ngày nay, và giúp vua Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Theo truyền ngôn, bà là con ông Trần Công Thiệu ở làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, nay là xã Hòa Hải huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; từ nhỏ nổi tiếng tài sắc, đức hạnh. Trong một lần kinh lí phía Nam, vua Trần Duệ Tông gặp và tuyển bà về cung phong làm Á phi. Bà sinh được một con gái là Trần Thị Ngọc Hiền, hiệu là Công chúa Huy Chân. Ít lâu sau vua Duệ Tông tử trận, triều đình rối ren, Hồ Quý Li mưu đồ đoạt ngôi báu, bà cùng con gái Huy Chân và gia nhân, tôi tớ rời kinh thành về Hà Tĩnh lánh nạn. Sau gần 50 ngày đêm, đoàn người mới tới phủ Đức Thọ và ẩn náu dưới chân núi Trà, núi Cốc. Họ dựng trại, ra sức khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập làng. Dần dần, trang trại của bà trải rộng, trên từ Lâm Thao, Hoà Duyệt (nay thuộc huyện Hương Khê), Thượng Hồng, Hạ Hồng (thuộc huyện Hương Sơn), giữa đến Lạng Quang, Du Đồng và Đồng Công (thuộc huyện Đức Thọ), dưới đến Thường Nga, Lai Thạch (thuộc huyện Can Lộc), khai khẩn ruộng đất được gần bốn ngàn mẫu, gia nhân, thuộc hạ của bà lên đến hàng nghìn người, vừa làm ruộng, vừa rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ để bảo vệ trang trại và mưu đồ đại sự. Đến khi đại quân Lê Lợi về đóng tại thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn, tướng Bùi Bị đã phát hiện ra trang trại của Bạch Ngọc và mời bà đến yết kiến nhà vua. Tại cuộc gặp mặt này, bà đã hiến toàn bộ tiền, lương thực tích trữ được cho nghĩa quân chống giặc Minh và gả Công chúa Huy Chân cho Lê Lợi. Nhà vua cho xây điện Phượng Hoàng tại làng Kính Kị và điện Ngũ Long ở làng Hoà Yên làm nơi cư ngụ cho hai mẹ con bà. Kháng chiến thành công, bà chối từ mọi bổng lộc, ân sủng của triều đình, xin lập 2 chùa: Chùa Tiên Lữ ở Mỹ Xuyên (nay thuộc xã Tân Dân, huyện Đức Thọ) và  chùa Am (Diên Quang Tự, thuộc xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay) làm nơi tu hành, ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Không có tài liệu nào về năm mất của Hoàng hậu Bạch Ngọc, chỉ biết bà mất vào ngày 22.6 Âm lịch khoảng niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1497) đời Lê Thánh Tông.

Sau khi bà Bạch Ngọc, con gái và cháu ngoại qua đời, chùa Am thành nơi thờ ba bà cháu.

Ngoài giá trị lịch sử, chùa Am còn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Công trình xưa nằm trên lưng chừng núi giữa rừng già u tịch, cây cối quấn quýt bao quanh; phía sau là dãy Trà Sơn, phía trước, cách chừng một cây số, là sông Ngàn Sâu chảy về sông La.

 Trước chùa có sân rộng, lối lên xuống đi hai bên, trước sân có hồ sen nhỏ. Sân chùa có bãi đá mọc như người quỳ lạy, gọi là "Bái Phật - lạy Tăng".  Đặc biệt, hai bên đường lên có hai cây đại cổ thụ vài trăm tuổi chầu hướng về chùa. Vách đá dựng đứng phía sau chùa được gọi là Đá Thần Công.

Nội thất chùa dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhiều chi tiết không còn được giữ nguyên, nhưng cho đến khoảng cuối thế kỉ XX hình thể và phong cách kiến trúc vẫn giữ đậm nét thời Lê. Công trình có bảy gian chính, hai gian hồi, tám vì kèo, 12 mái kiểu chồng diêm, với 60 cột gỗ, hệ thống cột hiên phía trước và sau, được bố trí chiều dọc theo hình chữ “công” (工). Toàn bộ cột, kèo, xà ngang, xà dọc, hoành tải, cầu phong… đều làm bằng gỗ mít, gắn kết liên hoàn tạo thành bộ khung cực kì vững chắc. Cấu trúc phần mái cũng khá phức tạp. Hai tầng tám mái chính chồng nhau tại đỉnh dãy cột quân tạo thành hệ thống mái vừa dài vừa rộng; bốn mái phụ cắt các mái chính làm nên cấu trúc sườn mái khép kín để chống mưa bão. Các mái dọc, mái ngang được thiết kế hợp lí để từ ngoài nhìn vào ngôi chùa hướng nào cũng như là mặt chính. Đồng thời, phần giữa mái ngói của chính điện hơi chùng xuống, hai đầu uốn cong dần lên tạo thành hình dáng con thuyền Bát Nhã đang lướt sóng. Với tổng thể kết cấu như vậy, ngôi chùa tạo nên nơi khách viếng thăm cảm giác vừa đồ sộ, rộng thoáng, vững chắc vừa mềm mại, uyển chuyển.

Trong bảy gian chính của chùa, bốn gian ngoài là nơi làm lễ cầu kinh, niệm phật và thực hiện các nghi thức tín ngưỡng khác; ba gian phía trong là các bàn thờ Phật. Chính điện thờ tôn tượng Tam Thế Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Quan Âm và các vị Bồ tát khác; bên trái đặt tượng chư vị Phật Tăng và bên phải đặt tượng Hoàng hậu Bạch Ngọc bằng đồng trong khảm gỗ sơn son thếp vàng.

Chùa Am có chuông đồng cao 1,3 m, rộng 0,9 m có bốn núm Xuân - Hạ - Thu - Đông. Khi đánh chuông ngân rất xa. Cũng tiếc thay, bảo vật này cũng đã bị đánh cắp và phá hỏng. Năm 2012 các ngôi điện thờ mới được phục dựng trở lại. Bên trái từ dưới nhìn lên chùa là nhà thờ Hoàng hậu; ở gian chính giữa là ba tượng của ba bà cháu Hoàng hậu ngồi trong khám thờ trang nghiêm, gian bên trái thờ Ngọc hoàng, gian bên phải thờ thần linh và các dòng họ, hai đầu hồi còn lưu giữ lại được chiếc thuyền rồng của Hoàng hậu, kiệu rước và tượng cổ của Bà (Đây là bảo vật rất quý cần được bảo vệ nghiêm ngặt). Bên phải chùa nhìn sang là nhà thờ Tổ, với các pho tượng của các vị Tổ sư có công lao lớn với Phật giáo Việt Nam và các vị sư Tổ trụ trì các đời từ trong chùa chính chuyển sang.

Ngoài ra, không thể không kể đến ngôi miếu giải oan nằm phía trước bên trái sân chùa nhìn ra 10 m. Miếu xây hình tháp hai tầng, cao 4,1m, dài 2,1m, rộng 1m. Đỉnh tháp đắp hình hồ lô, hai cửa phía trước có bàn thờ và hương án với câu đối:

"Dương đồng biến tác đề hồ thực bằng Pháp lực,

Nghiệp hỏa sỹ vi thanh thái toàn lại Phật uy"

Nơi này hàng năm cứ đến Rằm tháng Bảy và các ngày lễ Tết, nhà chùa và người dân địa phương làm lễ cúng tế những vong linh gửi vào chùa. Đồng thời, đây cũng là nơi những người có oan ức đều cầu xin giải oan.

Phía phải chùa nhìn ra từng có nhà Tăng, trong chiến tranh bị mục nát hoàn toàn, gần đây được xây dựng lại để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của chư Tăng và Phật tử phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.

Phía trước chùa Am có tháp mộ Sư Tổ Thanh Liễn. Phía đối diện miếu Giải oan là tháp của 7 vị Tổ ẩn danh đã lần lượt trụ trì chùa Am trước đó. Phía hai bên chùa có tháp mộ của 2 vị Tổ ẩn danh, tương truyền đã tu hành đắc đạo, đến tuổi già mãn duyên đã tự thiền định nhập diệt. Chùa Am vốn được xây dựng từ thế kỷ XV. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại, nhiều nhà sư đã tu hành và viên tịch ở chùa. Đến nay tiêu biểu nhất là 4 ngôi Bảo tháp (An vị hài cốt của 10 vị Tổ sư) được xây cất gần 100 năm trước, tôn nghiêm, đẹp đẽ, thực sự là các công trình nghệ thuật tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh.:

- Tháp Diên Lạc: Nằm phía trái sân chùa, cách bờ sân 5 m, tháp khối vuông, cạnh 1,6 m, cao 3,10m, quy mô 2 tầng, đỉnh tháp hình búp sen. Mặt tháp khắc 3 chữ "Diên Lạp Tháp".

- Tháp Từ Nghiêm: Nằm đối diện Tháp Diên Lạc, với quy mô giống nhau. Hai mặt tháp khắc 3 chữ: "Từ Nghiêm Tháp".

- Tháp Yên Tập: Nằm phía trước bên phải, cách sân chùa 40m, tháp cao 4,1m, mặt tháp rộng 2,55m được xây dựng tỉ mỉ hơn so với hai tháp trên, quy mô tháp hai tầng, ba mặt khắc chữ: "Yên Tập Tháp".

- Tháp Sinh Tịnh: Tháp mộ Tổ sư Thanh Liễn (Nguyễn Tất Tố) là quy mô lớn hơn cả. Tháp được xây phía trước, bên trái cách chùa 100m, cạnh Tỉnh lộ 28. Tháp làm hình chữ nhật hai tầng có 8 mái, cao 4m, dài 4,9m, rộng 2,35m có tường bao xung quanh. Tầng trên khắc ba chữ Hán "Sinh Tịnh Tháp" niên hiệu Bính Tý đời Vua Bảo Đại (1936).

Gần đây, dưới sự trụ trì của Đại đức Thích Chiếu Tuệ, các công trình tâm linh được trùng tu xây dựng, nhiều sinh hoạt Phật sự được phục hồi và phát triển, góp phần cùng sự phát triển của Phật giáo Hà Tĩnh. Trong tương lai chùa Am - Diên Quang Tự sẽ là điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh, thu hút nhiều du khách thập phương và phật tử từ mọi miền của tổ quốc vãn cảnh, viếng chùa.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.280.071
    Trong năm: 1.339.248
    Trong tháng: 180.730
    Trong tuần: 48.467
    Trong ngày: 111
    Online: 132