Di tích Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 95/1996/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1996 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Nhà thờ Bùi Dương Lịch trước thuộc thôn Yên Hội, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Bùi Dương Lịch, tự Tồn Thành, hiệu Thạch Phủ, Ốc Lậu và Tồn Trai, sinh năm Đinh Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 18 (1757) trong một gia đình khoa học nổi tiếng. Họ Bùi của ông từ xưa có nhiều người đỗ đạt làm quan và nổi tiếng văn chương. Cha ông là Bùi Quốc Toại đỗ Hương cống, từng làm Tri phủ phủ Thiệu Thiên (Thanh Hóa) thời Hậu Lê. 

Thuở nhỏ, Bùi Dương Lịch học ở nhà với cha, đến năm 1774 thi đỗ Hương cống khi mới 17 tuổi. Ông ra Thăng Long dạy học và luyện tập văn sách ở Quốc Tử Giám. Năm 1786, ông được bổ làm Huấn đạo phủ Lí Nhân nhưng ông không nhận chức vì gặp tang cha. Hết tang, ông lại ra Thăng Long học tiếp. Đúng vào thời kì này, đất nước đang trải qua nhưng đổi thay phức tạp. Sau khi quân Tây Sơn dưới danh nghĩa phù Lê tiến ra Thăng Long diệt phe chúa Trịnh đã rút về Nam, việc tranh giành quyền lực giữa cung vua - phủ chúa lại diễn ra quyết liệt. Để có vây cánh, nhà vua xuống chiếu tìm người tài. Nhân đó Bùi Dương Lịch được tiến cử và vua Lê Chiêu Thống cho ông làm Nội Hàm viện Cung phụng sứ Ngoại lang (một chức quan nhỏ ở gần vua để vua tiện hỏi han). Bên cạnh đó, ông còn được giao nhiệm vụ giảng giải kinh sách cho Điền Quận công Lê Duy Lựu là em ruột nhà vua.

Trong kì thi Hội tháng bảy năm 1787, Bùi Dương Lịch đỗ Hội nguyên; rồi thi Đình đỗ Đình nguyên Nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), được vua Lê Chiêu Thống hứa gả công chúa. Tuy nhiên, thế sự biến động, đường công danh đầy hứa hẹn chưa kịp bước thì ông đã rơi vào bế tắc: Lê Chiêu Thống rước quân Thanh vào xâm chiếm nước ta bị quân Tây Sơn đánh cho đại bại năm Kỉ Dậu (1789) phải chạy trốn sang Trung Quốc. Tuy chịu ơn tri ngộ của Lê Chiêu Thống nhưng Bùi Dương Lịch đã không đi theo vua mà quay về quê ở ẩn.

Sang triều Tây Sơn, biết ông là người có tài nên vua Quang Trung đã mấy lần vời ông ra làm quan. Từ chối không được, năm 1791 ông nhận làm việc ở Viện Sùng Chính do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Công việc đang thuận lợi thì Quang Trung mất, viện Sùng Chính ngưng hoạt động, ông về quê dạy học.

Triều đại Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long nhà Nguyễn lên ngôi năm 1802, Bùi Dương Lịch lại được triệu ra làm quan. Bất đắc dĩ, năm 1805 ông phải nhận chức Đốc học Nghệ An, năm 1812 được thăng Phó Đốc học Quốc Tử Giám ở Huế. Nhưng năm sau, 1813, ông cáo quan về quê dạy học và viết sách cho đến ngày mất năm Mậu Tí niên hiệu Minh Mạng thứ 9 (1828).

Như vậy, vốn xuất thân khoa bảng và nặng lòng với nhà Lê Trung Hưng, nhưng Bùi Dương Lịch đã bị tình thế buộc về sau phải làm quan cho hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn mà ông không hứng thú tuân theo. Làm quan, ông tránh chuyện chính trị, chỉ chuyên tâm vào hai việc chính là dịch, soạn sách và dạy học. Và ông để lại cho hậu thế những thành tựu lớn lao ở hai lĩnh vực này. Trong việc dạy học, ông đã đào tạo nhiều Nho sĩ giỏi cho đất nước, dạy dỗ con cháu giữ được nếp nhà. 38 năm sau ngày Bùi Dương Lịch mất, Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã viết trong văn bia dựng trước nhà thờ của ông như sau: “Ở châu Hoan nhân tài nối tiếp xuất hiện, cùng sánh vai với các vùng trong nước. Triều đại hưng thịnh như ngày nay, nếu không có công lao đóng góp của ông, ai là người tác thành cho lớp hậu tiến, để nước nhà sẵn có mà dùng? Kẻ sĩ nối tiếp thành đạt ở châu Hoan này, không chỉ có tình nghĩa thân chá, mà phần lớn đã trở thành những bậc danh thần, tiếp bước rạng rỡ trên văn trường, sĩ bản".

Trong việc viết sách, ông để lại một khối lượng tác phẩm khá lớn về giáo dục, văn chương, lịch sử, địa chí. Những công trình chính của ông, chủ yếu bằng chữ Hán và đến nay hầu hết đã được dịch sang chữ Quốc ngữ, đều mang ý nghĩa, giá trị nhất định, với những kiến giải sâu sắc và độc đáo. Có thể kể đến Bùi gia huấn hài (Sách dạy trẻ nhà họ Bùi, Trần Lê Nhân dịch) gồm hai ngàn câu trích lục cách ngôn Khổng giáo và kiến thức đương thời dùng để dạy trẻ nhằm thay thế những sách vỡ lòng của Trung Quốc, được Phan Huy Chú khen là “Lời gọn, ý rộng”; Lê quý dật sử (Phạm Văn Thắm dịch) là cuốn sử biên niên chép các sự kiện lịch sử cuối đời Lê và đời Tây Sơn những năm 1758 - 1793, cung cấp nhiều tư liệu cụ thể và đáng tin cậy; Yên Hội thôn chí (Nguyễn Thanh Hà dịch) là cuốn địa lí, lịch sử thôn Yên Hội quê tác giả. Nhưng đóng góp lớn nhất trong số trước tác của ông là công trình Nghệ An kí (Ghi chép về xứ Nghệ An, Nguyễn Thị Thảo dịch, Bạch Hào hiệu đính). Đây là bộ sách địa chí có tiếng của Việt Nam, được biên soạn công phu, bằng những ghi chép cặn kẽ của một người trực tiếp điền dã, chú trọng tính xác tín của tư liệu và việc mô tả sự vật cụ thể, rõ ràng, phản ánh khá đầy đủ về lịch sử, núi sông, nhân vật, thơ văn… của đất nước và con người ở trấn Nghệ An (nay là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh). Giới nghiên cứu về sau đánh giá cao công trình này chủ yếu về phương pháp biên soạn nghiêm túc, về nguồn sử liệu dồi dào và độc đáo, về nhãn quan tiến bộ và khoa học; Bùi Dương Lịch được coi là người có công lớn trong việc đặt nền móng cho phương pháp biên soạn sách địa chí ở nước ta.

Về sáng tác văn chương, ông có các tập Ốc lậu thoại (Câu chuyện nhà dột, Đỗ Ngọc Toại dịch) gồm trên 50 bài thơ vịnh phong cảnh núi sông, nhân vật lịch sử và thơ tự sự, cảm tác, cùng một số bài phú kí, thư... phản ánh khá rõ nét tư tưởng, tâm trạng trước thời cuộc và tình cảm yêu mến non sông, xứ sở của tác giả. Ngoài ra, ông còn có Bùi Tồn Trai liên văn gồm khoảng 700 đôi câu đối đề ở các đền, chùa, đình… của quê hương tác giả, và văn bản các bài văn tế, sớ, thơ dùng trong khi cúng tế hoặc thăm viếng… Cho đến nay, thơ của ông đã được sưu tập, biên dịch và xuất bản thành cuốn Thơ Bùi Dương Lịch (Võ Hồng Huy dịch) gồm 52 bài chia làm ba phần: thơ vịnh cảnh, thơ vịnh phong thổ và thơ tự sự, cảm tác. Cảm hứng chính trong thơ ông vẫn là tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào đối với quê hương, đất nước. Đây là bài Núi Hồng thành dựng (Hồng sơn liệt chướng) trong chùm về Nghi Xuân bát cảnh (Tám cảnh đẹp ở Nghi Xuân):

Điệp trùng la liệt, nối trời mây

Nhạc Thốc chuyền sang mạch núi này

Hai mái xanh um, tươi thế đất

Một vùng thắm biếc, vững dây trời

Vườn xưa Trần tử, cây tung gió

Nền cũ Trang vương, đá toả mây

Chín chín ngọn cao, quanh quẩn dạo

Lâng lâng trời biển, nức lòng ai

***

Bùi Dương Lịch là một danh nhân đa tài xứ Nghệ, được người đời sau tôn vinh, ngưỡng mộ. Đã có hàng loạt nhà nghiên cứu viết về ông như Hoàng Xuân Hãn, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Thị Thảo, Chương Thâu, Trần Văn Giàu, Trần Văn Giáp… Trong công trình Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỉ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Nhà Nho như Bùi Dương Lịch là hơi hiếm. Ông theo con đường Trương Tái mà tiếp cận với duy vật luận. Trên không có Thượng đế sáng tạo, dưới không có linh hồn bất tử, đó là hai điểm cơ bản làm chỗ dựa cho mọi hoạt động bài trừ mê tín và xây dựng sức mạnh tinh thần của con người”.

Nhà thờ Bùi Dương Lịch xây dựng năm 1808 trong khu đất vườn của dòng họ, đây là quà tặng của những người học trò cũ ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy - một nghĩa cử cao đẹp của người xứ Nghệ hiếu học, tôn sư. Nhà thờ gồm bái đường và thượng điện được xây dựng theo kiểu chồng diêm, lợp ngói vẩy, trên đỉnh mái đắp nổi bằng đá hai con nghê chầu. Trước hiên nhà có ba chữ “Lưỡng Nguyên từ” (Tức là đỗ hai Hoàng giáp).

Bái đường gồm một gian hai hồi, xung quanh có tường bao, nền lát gạch Cẩm Trang. Các đường kẻ chuyền chạm gỗ những hình tượng vân mây, hoa lá, rồng cuộn mây, phượng cắp cuốn thư. Các xà ngang xung quanh chạm trỗ  hình chim, cá, hoa lá. Thượng điện là gian thờ chính, một gian hai hồi, bàn thờ lớn bằng gỗ được sơn son thiếp vàng đặt chính giữa gian.

Trong khuôn viên nhà thờ còn có tấm văn bia Bùi Tồn Trai được làm từ năm 1866 bằng chất liệu đá Thanh, cao 0,9m, rộng 0,65m, dày 0,15m có trang trí hoa văn đẹp. Trán bia uốn vòm chạm trổ hình lưỡng long chầu nguyệt, viền bia chạm vân mây oa lá. Bia do con rể ông là Ngụy Thiện Phủ - Thượng thư bộ Hộ chế tác, công việc chưa xong thì ông qua đời, dựa vào ý của bậc cha chú, con trai ông là Bùi Thức Kiên tiếp nối hoàn thành. Bài văn bia do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu soạn lời, gồm 500 chữ, tổng kết cô đọng cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch.

Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Bùi Dương Lịch, chúng ta giữ gìn phát huy giá trị của di tích để tưởng nhớ đến một nhà danh nhân, nhà học giả lớn của dân tộc đầu thế kỷ XIX. Hơn thế ông còn là một nhà sư phạm mẫu mực, nhà nho uyên bác. Di tích là niềm tự hào của quê hương, dòng họ, con cháu thế hệ ngày nay, mai sau. Hiện nay, tại Thị trấn Đức Thọ và ở các thành phố Hà Tĩnh, Vinh, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… có những con đường mang tên ông - Bùi Dương Lịch.

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.280.087
    Trong năm: 1.339.248
    Trong tháng: 180.730
    Trong tuần: 48.467
    Trong ngày: 134
    Online: 137