Đền Voi Mẹp là một công trình kiến trúc độc đáo, vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị nghệ thuật, là một di sản văn hóa quí báu của người xưa để lại. Đền được xếp hạng là Di tích Quốc gia theo Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT ngày 24/01/1998 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Di tích còn có tên gọi là đền Cả, đền Thánh Mẫu, trước thuộc địa phận xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, nay là thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, thờ một nữ tướng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược.
Vào đầu thế kỉ XV, triều đại nhà Trần đi vào suy tàn, Hồ Quý Li (1336 - 1407) lên ngôi vua lập nên nhà Hồ, lấy quốc hiệu Đại Ngu, thực hiện nhiều cải cách quan trọng để củng cố, xây dựng đất nước. Lợi dụng chiêu bài Phù Trần diệt Hồ, quân Minh kéo sang xâm lược nước ta. Không được lòng người ủng hộ, Hồ Quý Li đã thất bại trược giặc Minh hung hãn. Tuy nhiên, nhân dân ta ở khắp nơi vẫn nổi lên chống giặc, trong đó có vua Trần Trùng Quang (? - 1414) kéo quân vào lấy vùng đất xứ Nghệ làm căn cứ kháng chiến. Trong số những người theo về cờ nghĩa của vua Trùng Quang có một nữ tướng quê ở Hà Tĩnh tục truyền gọi là Nữ tướng Châu Chấu. Bà cầm quân xông pha trận mạc, lập được nhiều chiến công lớn, nhưng trong một trận đánh bà đã anh dũng hi sinh. Để tưởng nhớ công ơn người xả thân cứu nước, nhân dân trong vùng đã dựng đền thờ bà ở Cổ Ngu.
Cổ Ngu lúc đó gồm các làng Thượng Ích, Trung Lễ, Đông Khê và Thụy Vân; mỗi làng đều có một ngôi đền riêng để thờ vị Thành hoàng của làng mình, còn ngôi đền này là chung của cả xã nên gọi là đền Cả. Còn tên đền Voi Mẹp là có về sau, dựa theo truyền thuyết kể chuyện một vị tướng dẫn đoàn quân đi ngang qua trước cửa đền vẫn ngồi trên mình voi; vị thần trong đền liền bắt voi quì xuống, không cho đi nữa. Mặt khác, trước cổng đền có tượng hai con voi đang quì (mẹp), nên dân gian gọi tên là đền Voi Mẹp.
Cổng Tam quan tại Đền Voi Mẹp
Đền được xây trên khu đất bằng phẳng cao ráo, xung quanh có nhiều cây cổ thụ xanh tốt bao bọc. Đền có qui mô khá đồ sộ, diện tích rộng hơn 1.200m2, kiến trúc hình chữ Tam (三), xung quanh có tường bao. Ngoài cùng phía trước đền là đôi cột nanh lớn đứng uy nghi, gián cách với tam quan đền khoảng 15m, ở giữa là dòng sông Trúc chảy qua mà nhân dân vẫn thường gọi là hói Trúc.
Tòa trung điện rộng gần 70m2, chạy dài theo nóc trung điện là các hình rồng, hổ phù đắp nổi, đặc biệt ở các góc mái có hình 12 con rồng đi lên bằng đất nung.
Bài trí giữa điện có tấm đại tự “Tối Linh Từ” sơn son thếp vàng, một hương án bằng gỗ chạm khắc rồng phượng, hoa lá, trên đặt mâm gỗ tròn, bình hương; hai bên hương án là hai dãy binh khí như gươm giáo, chùy, thẻ… Ở thượng lương, xà vượt trong điện chạm nổi các hình cây, hoa, muông thú… với các đề tài dân gian như: rồng ngậm ngọc, phượng ngậm cuốn thư, rùa ngậm đài sen...
Trên các vì, kèo xà, hạ, cột... của trung điện đều được điêu khắc, chạm trổ rất cầu kỳ với nhiều họa tiết rồng, phượng.
Tòa thượng điện - nơi được coi là tối linh, có nền cao hơn xung quanh, gồm hai gian bằng gỗ lim chạm trổ tinh vi, tường bao quanh ba phía, mái đắp đầu đao, hình rồng và nghê chầu bốn góc. Trong Thượng điện được đặt án thư bằng gỗ, sơn son thiếp vàng được chạm khắc với họa tiết rồng, phượng, hoa lá được kết hợp với nhau.
Trải qua sự thiên biến của thời gian, đền Voi Mẹp đã bị hư hại ít nhiều. Năm 1995, đền được tôn tạo lại nhưng vẫn giữ theo lối kiến trúc nguyên bản. Đến năm 2017, 2018 với sự đầu tư của các cấp chính quyền và con em xa quê, ngôi đền được chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên, xây dựng lại thượng điện, trung điện... Dù đã được tu sửa lại nhưng đền vẫn giữ nét cổ kính với các chạm khắc mang đậm nét nghệ thuật điêu khắc dân gian...Di tích Đền Voi Mẹp được xem là ngôi đền thiêng của vùng đất Đức Thọ nên rất nhiều người đến dâng lễ, chiêm bái, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài.