Đền Liên Minh là một di tích có giá trị về lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật và được xếp hạng là Di tích Quốc gia theo Quyết định số 73/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 22/8/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Còn có tên là đền Thọ Tường hay đền Thánh Mẫu, thờ bà Hoàng hậu Bạch Ngọc, trước thuộc xã Yên Thái, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, nay là xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo sử cũ, Hoàng hậu Bạch Ngọc có tên thật là Trần Thị Ngọc Hào (thế kỉ XIV), là Hoàng phi của vua Trần Duệ Tông, người có công khai phá một vùng rộng lớn ở Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Can Lộc ngày nay, và giúp vua Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Theo truyền ngôn, bà là con ông Trần Công Thiệu ở làng Tri Bản, xã Thổ Hoàng, nay là xã Hòa Hải huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; từ nhỏ nổi tiếng tài sắc, đức hạnh. Trong một lần kinh lí phía Nam, vua Trần Duệ Tông gặp và tuyển bà về cung phong làm Á phi. Bà sinh được một con gái là Trần Thị Ngọc Hiền, hiệu là Công chúa Huy Chân. Ít lâu sau vua Duệ Tông tử trận, triều đình rối ren, Hồ Quý Li mưu đồ đoạt ngôi báu, bà cùng con gái Huy Chân và gia nhân, tôi tớ rời kinh thành về Hà Tĩnh lánh nạn. Sau gần 50 ngày đêm, đoàn người mới tới phủ Đức Thọ và ẩn náu dưới chân núi Trà, núi Cốc. Họ dựng trại, ra sức khai khẩn đất hoang, chiêu dân lập làng. Dần dần, trang trại của bà trải rộng, trên từ Lâm Thao, Hoà Duyệt (nay thuộc huyện Hương Khê), Thượng Hồng, Hạ Hồng (thuộc huyện Hương Sơn), giữa đến Lạng Quang, Du Đồng và Đồng Công (thuộc huyện Đức Thọ), dưới đến Thường Nga, Lai Thạch (thuộc huyện Can Lộc), khai khẩn ruộng đất được gần bốn ngàn mẫu, gia nhân, thuộc hạ của bà lên đến hàng nghìn người, vừa làm ruộng, vừa rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ để bảo vệ trang trại và mưu đồ đại sự. Đến khi đại quân Lê Lợi về đóng tại thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn, tướng Bùi Bị đã phát hiện ra trang trại của Bạch Ngọc và mời bà đến yết kiến nhà vua. Tại cuộc gặp mặt này, bà đã hiến toàn bộ tiền, lương thực tích trữ được cho nghĩa quân chống giặc Minh và gả Công chúa Huy Chân cho Lê Lợi. Nhà vua cho xây điện Phượng Hoàng tại làng Kính Kị và điện Ngũ Long ở làng Hoà Yên làm nơi cư ngụ cho hai mẹ con bà. Kháng chiến thành công, bà chối từ mọi bổng lộc, ân sủng của triều đình, xin lập 2 chùa: Chùa Tiên Lữ ở Mỹ Xuyên (nay thuộc xã Tân Dân, huyện Đức Thọ) và  chùa Am (Diên Quang Tự, thuộc xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay) làm nơi tu hành, ngày ngày tụng kinh niệm Phật. Không có tài liệu nào về năm mất của Hoàng hậu Bạch Ngọc, chỉ biết bà mất vào ngày 22.6 Âm lịch khoảng niên hiệu Hồng Đức (1460 - 1497) đời Lê Thánh Tông.

Khi bà mất, thể theo nguyện vọng của bà lúc sống, vua Lê Thánh Tông cho đưa thi hài Hoàng hậu về an táng tại quê nhà ở làng Tri Bản, huyện Hương Khê, nhưng trên đường chẳng may thuyền gặp gió bão và bị nước lũ cuốn trôi, thi thể bà dạt vào vùng đất thuộc hai thôn Yên Mĩ và Yên Phú làng Yên Thái, nay thuộc xã Liên Minh, huyện Đức Thọ. Được tin, vua Lê Thánh Tông lệnh cho quân sĩ an táng bà tại đây, lập đền thờ giao cho hai thôn Yên Mĩ, Yên Phú của làng Yên Thái (nay là xã Liên Minh) trông coi và khói hương thờ phụng.

Nhìn tổng thể di tích bao gồm các bộ phận kiến trúc chính như: Hai cột nanh, hồ bán nguyệt, tắc môn, nhà hạ điện, trung điện và thượng điện.

Đền Liên Minh nằm trên tả ngạn La Giang, giữa một vùng dân cư đông đúc, cách không xa lắm dãy Thiên Nhẫn, nơi có thành Lục Niên là căn cứ chỉ huy một thời của Lê Lợi trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Đền gốc, với các hiện vật di tích, được xây dựng cách đây trên 600 năm, nhưng trong quá trình lịch sử đã ba lần phải di dời địa điểm; lần cuối cùng là vào năm 1949, do chủ trương hợp tự, chuyển về thôn Thọ Tường cách đền cũ gần 1km. Ngôi đền hiện nay khá lớn, nằm theo hướng Đông Nam, kiến trúc chính gồm hai cột nanh, hồ bán nguyệt, tắc môn, cùng với ba tòa thượng, trung và hạ điện, được bố cục theo hình chữ nhật, các công trình đều qui tụ vào tâm theo đường độc đạo ở giữa, hai bên đối xứng, phía trước thấp rồi cao dần lên phía sau.

Hệ thống cổng đền là 2 cột nanh cao lớn đồ sộ, phía trên được đắp nổi 2 con nghê chầu vào nhau, mặt trước là các họa tiết hình rồng cuộn, uốn lượn được đắp nổi cầu kỳ và tinh xảo, 2 mặt bên trang trí hoa văn hình rồng, hoa lá cách điệu, mặt trước và mặt sau hai cột nanh được khắc đôi câu đối bằng tiếng Hán.

Qua hồ bán nguyệt là đến tắc môn được trang trí hình hổ phùvà mây lửa và chạm khắc 2 câu đối.

Hạ điện, trung điện, thượng điện được xây dựng gồm 3 gian 2 hồi, xây tường bít nóc, mái lợp ngói âm dương. Đền được chạm trổ đẹp, các họa tiết hoa văn có mặt hầu như khắp các kết cấu kiến trúc từ ngoài vào trong và liên kết với nhau bằng hệ thống tường bao khép kín, tạo thành một tổng thể vừa hoàn chỉnh thống nhất, vừa vững chắc để chống chọi với những tác động của thiên nhiên nắng mưa gió bão.

Bức hoành phi bằng gỗ sơn son đề 4 chữ “Thánh cung vạn tuế" tại nhà Hạ điện

Nội thất gian thờ tại nhà Trung điện với bức Đại tự “Thượng đẳng linh từ”

Điện thờ chính Thánh mẫu Hoàng Hậu Bạch Ngọc

Phía trong gian Thượng điện được bài trí long ngai bài vị của Hoàng hậu Bạch Ngọc, hai bên tả hữu là bài vị cụ thân sinh của bà và các trung thần – những người đã có công giúp và tạo dựng cơ nghiệp và theo Hoàng hậu suốt cả cuộc đời vì nghiệp lớn. Đặc biệt nhất tại đền còn lưu giữ được hai chiếc kiệu rồng bát cống cổ sơn son thếp vàng chạm trổ cực kì tinh xảo - một trong những cỗ kiệu cổ đẹp nhất của Hà Tĩnh còn lại đến nay. Các điểm đầu và cuối của đòn kiệu rồng được tạo thế đầu rồng vươn ra phía trước, thân đòn là biểu tượng của mình rồng cách điệu, các bộ phận khác của kiệu được các nghệ nhân sử dụng các đề tài khác nhau như tứ quý, hổ phù và hình hoa lá dây cách điệu. Ngoài ra, ở đây còn lưu giữ 7 đạo sắc phong từ thời Tây Sơn (Cảnh Thịnh) đến thời Nguyễn; nội dung ghi nhận những cống hiến của Hoàng hậu Bạch Ngọc và thể hiện sự trân trọng, quan tâm bảo tồn di tích của bà tại Đức Thọ, Hà Tĩnh.

 Hàng năm, lễ hội di tích được tổ chức vào ngày giỗ bà Hoàng Thái hậu Bạch Ngọc (ngày 22 tháng 6 Âm lịch).  Qua lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của Bà cùng con cháu đối với quê hương, nhân dân vùng Đức Thọ , đồng thời để tăng cường phát huy giá trị lịch sử của di tích thông qua tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ở địa phương hiểu rõ nội dung, giá trị và ý nghĩa của nhân vật lịch sử được thờ, từ đó bồi dưỡng thêm lòng tự hào, yêu mến với truyền thống lịch sử của địa phương, của dân tộc, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.473.694
    Trong năm: 1.306.934
    Trong tháng: 100.950
    Trong tuần: 28.198
    Trong ngày: 4.594
    Online: 75