Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia được xếp hạng theo Quyết định số 3211/QĐ-BT ngày 12/12/1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Tên thường gọi là nhà thờ Lê Ninh, thuộc làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, nay là xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Trung Lễ từ xưa nổi tiếng là đất học hành, khoa bảng lại có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, với hơn chục vị Đại khoa từ thời Lê và những Giáo sư Tiến sĩ nổi tiếng thời nay.

Họ Lê xã Trung Lễ là một trong những dòng họ lớn ở Hà Tĩnh, có bề dày lịch sử và truyền thống lâu đời, có nhiều bậc tài cao học rộng, yêu nước thương dân, nổi bật là phong trào Cần Vương chống Pháp, phong trào Tân Việt, phong trào 1930-1931, phong trào hưởng ứng khởi nghĩa năm 1945…. Theo gia phả họ Lê, văn bia cụ án sát họ Lê cho biết, tổ tiên  của dòng họ Lê nguyên ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào lập nghiệp ở đây khoảng thế kỉ XVII, đến đầu thế kỉ XVIII dòng họ Lê ở đây đã có nhiều người đỗ đạt cao. Trong đó tiêu biểu có thể kể đến như: chí sỹ yêu nước Lê Ninh (người có công lớn trong phong trào Cần Vương); lãnh tụ Tân Việt cách mạng Đảng Lê Văn Huân (Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Đức Thọ); nhà Toán học Lê Văn Thiêm (GS-TS Toán học đầu tiên của Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam)...

 Nhà thờ họ Lê đã được xây dựng lâu đời; năm 1918 được trùng tu tôn tạo qui mô gồm ba tòa: hạ điện, trung điện và thượng điện.

 Đi vào khu di tích, điều chúng ta nhận thấu đầu tiên đó là hồ bán nguyệt nước trong xanh tận đáy, trước đây dùng làm giếng ăn của làng. Ngoài cùng 2 bên cổng ra vào là 2 bờ tường chắc xây bằng gạch, phía trên cổng còn giữ nguyên đài sen. Từ cổng tiếp giáp với sân của nhà hạ điện là 2 bờ chè mận hảo được cắt xén thẳng tắp. Ở phía bên cánh trái từ ngoài cổng vào còn có nhà giám từ - xưa được dùng để cất giữ đồ thờ, nơi dạy học, chia phần cúng tế của họ; nay được dành để tiếp đón khách, trưng bày các hiện vật truyền thống, các hình ảnh, tài liệu về những người con đỗ đạt cao của dòng họ.

Ở sân nhà thờ, phía hai bên cánh tả và cánh hữu được xây dựng 2 nhà bia. Bên tả là nhà bia trưng bày bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Bên hữu là nhà bia ghi danh tưởng niệm những người con họ Lê có công với đất nước và dòng họ.

Hạ điện gồm ba gian hai hồi, tường xây, mái lợp ngói vảy, phía trên nóc có hình sư tử đội mặt trời, vân mây uốn lượn. Phía trong  với 18 cột gỗ kê chân đá, trên các vì kèo chạm khắc tinh tế, gian giữa có bức hoành phi nhũ vàng “Thực Cựu Đức Cát” tức là hưởng lộc cha ông; đặc biệt ở đây có đặt hai văn bia bằng đá thanh liền khối chữ nhật, trán bia uốn vòm chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, diềm bia chạm vân mây hoa lá, nội dung chép hành trang của Án sát Lê Văn Vĩ và Quản đạo Lê Văn Tự.

Hiện nay nhà hạ điện là nơi hội tụ của con cháu mỗi lúc hội họp.

Trung điện xây theo kiểu giấu cột, gồm ba gian, lợp ngói vảy dùng để các án thư, lư hương, các biểu tượng binh khí, thẻ bài, các bức phù điêu, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên.

 Thượng điện gồm ba gian hai hồi, tường xây, lợp ngói vảy, dùng để các long ngai, bài vị và các bệ thờ bằng đá dùng để các lễ vật khi cúng tế.

Di tích nhà thờ họ Lê - một dòng họ có truyền thống hiếu học và cách mạng của Hà Tĩnh nói chung và của “đất văn hiến”, “làng tiến sĩ Trung Lễ” nói riêng.  Càng tự hào về truyền thống yêu nước, về ý chí quật cường của cha ông bao nhiêu, chúng ta càng ghi nhớ và biết ơn công lao của các bậc anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền bối tiêu biểu cho tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam bấy nhiêu. Di tích không chỉ là truyền thống của dòng họ với các bậc đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục đạo đức truyền thống cha ông cho thế hệ trẻ mai sau học tập và rèn luyện.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 3.473.664
    Trong năm: 1.306.934
    Trong tháng: 100.950
    Trong tuần: 28.198
    Trong ngày: 4.564
    Online: 64