Di tích Quốc gia Nhà thờ và Mộ Lê Bôi được xếp hạng theo số Quyết định số 3777/QĐ-BVHTT ngày 23/12/1995 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Khu di tích nhà thờ và mộ Lê Bôi hiện tọa lạc ở xóm Vọng Sơn, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, thờ vị Khai quốc Công thần triều Lê - Lê Bôi.

Lê Bôi là vị khai quốc công thần triều Lê, ông sinh năm 1380 tại xã Tình Di, huyện Đỗ Gia, nay là xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình khoa bảng. Sinh ra trong bối cảnh đất nước loạn lạc, giặc Minh xâm lược ông đã tập hợp lực lượng luyện tập võ nghệ chờ thời cơ đánh giặc. Nghe tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lê Bôi đã tìm về được Lê Lợi phong cho làm tướng chỉ huy một đội quân 500 người ở tại quê hương, và lần đầu tiên xuất trận bằng chiến thắng vang dội ở Khả Lưu Bồ Ải (huyện Thanh Chương - Nghệ An). Sau đó Lê Bôi tham gia giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá (1425) rồi vây đánh thành Nghệ An khi chủ tướng Lê Lợi kéo quân ra Bắc (1426-1427). Công lao đánh giặc của Lê Bôi đều được sử sách ghi chép sau khi đánh bại quân Minh, Lê Lợi xưng Vương ban thưởng cho các văn thần võ tướng tất cả có 93 người trong đó Lê Bôi đứng hàng thứ 3 trong 14 Liệt hầu hay trong 26 Á hầu được ăn lộc một ấp. Đó cũng là lý do Lê Bôi từ Tình Di chuyển đến Việt Yên và trở thành thuỷ tổ của họ Lê ở xã Tùng Ảnh ngày nay. Sau khi ông mất 1458, con cháu dòng họ và nhân dân địa phương lập đền thờ tại xóm Bá Hiển, sau bị bom giặc Mỹ phá hỏng hoàn toàn, nên chuyển về thờ tại nhà thờ chi 3 họ Lê đại tôn thuộc xóm Vọng Sơn, thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ ngày nay

Khu di tích Lê Bôi gồm hai công trình chính: Mộ và Nhà thờ

Một, là ngôi mộ được táng từ xa xưa tại xứ Ma Cô (nay là thôn Châu Tượng, xã Tùng Ảnh), truyền đến nay đã trên 23 đời vẫn ở nguyên vị trí cũ. Gần đây, vào năm 1937, mộ đã được trùng tu. Đây là mộ song táng ông Lê Bôi và vợ là bà Nguyễn Thị Nghênh. Từ ngoài vào qua cổng chính rộng 2m có hai cột nanh cao 4,2m bệ vuông, trên đỉnh hai cột có đắp hai con nghê đứng chầu, phía trước có đôi câu đối bằng chữ Hán. Qua cổng chính 3m là tắc môn hình chữ nhật, mặt trước đắp nổi hình rồng; rồi tiếp đến nền thờ Tổ xây nền lát gạch đỏ Cẩm Trang, ban thờ Tổ xây ba cấp. Ngôi mộ song táng xây hình khối hộp chữ nhật dài 4,6m, rộng 3,5m và cao 2,1m. Bao xung quanh mộ là hệ thống tường đất xây ba phía (trừ mặt trước). Nền mộ xây hai cấp, bậc dưới cao 0,35m, bậc trên cao 0,18m dài 3,9m rộng 2,85m. Nền trên xây thành mộ giật cấp cao 1,15m, trên mặt xây hai nấm mộ song táng hình chữ nhật dài 2,35m, rộng 1,4m. Ở giữa là bia mộ khắc dòng chữ Hán “Lê Tộc Thủy Tổ song linh am – 1937”.

Phía trước có bốn ngôi mộ đất kè đá phiến và tấm bia đá ghi niên biểu cuộc đời Chấp Lệnh công Lê Bôi mới được khắc dựng vào năm 1995. Bia là khối đá hoa cương màu đen hình chữ nhật rộng 1m cao 1,7m và dày 0,3m, mặt trước khắc chữ Quốc ngữ nét chìm, phủ nhũ vàng, xung quanh viền đường chỉ chìm, trán bia khắc chìm chữ Lê bằng chữ Hán nằm trong vòng tròn

Hai, là nhà thờ Tổ họ Lê. Nguyên nhà thờ này được làm vào năm 1839, đặt tại xóm Bá Hiển vùng ngoài đê sông La dưới chân núi Tùng Lĩnh. Năm 1968, nhà thờ bị bom Mĩ phá hủy, bài vị và đồ thờ được rước về thờ tại nhà thờ chi họ Lê phái ba cách vị trí cũ khoảng 500m; vào năm 1990 mới được xây dựng lại. Nhà thờ quay mặt theo hướng Đông Bắc, lệch Tây 15 độ, tường đá bao quanh ba mặt, rộng hơn 200m2, bao gồm các công trình: bể cạn, tắc môn, sân và nhà thờ. Nhà thờ 2 tòa Hạ điện và Thượng điện. Thượng điện gồm hai gian được làm bằng gỗ mít, tường xây gạch ba mặt, mái lợp ngói vảy, kết cấu vì kèo làm theo kiểu nhà kẻ, chồng đấu. Bố trí mặt bằng kiến trúc theo chiều dọc, gian ngoài hẹp hơn để trống thay chức năng của bái đường, gian trong rộng hơn là nơi thực hiện các nghi lễ tế tự, đặt hương án, bàn thờ, long ngai và các đồ thờ khác.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH ĐỨC THỌ
    Thống kê: 2.996.915
    Trong năm: 1.425.376
    Trong tháng: 42.180
    Trong tuần: 17.111
    Trong ngày: 1.488
    Online: 98